Ba thập niên thăng trầm của oligarch Nga

14/03/2022 09:15 GMT+7

Các oligarch từng một thời làm mưa làm gió trong nền kinh tế Nga giờ đây đang mang những số phận rất khác nhau.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, phương Tây đã ban hành lệnh cấm vận đối với hàng loạt nhân vật tại Nga, trong đó có nhiều oligarch (nhóm thiểu số thao túng) được cho là có quan hệ mật thiết với Điện Kremlin. Trong số họ có những nhân vật thuộc thế hệ oligarch thứ nhất như Mikhail Fridman, Pyotr Aven và những người thuộc thế hệ sau này như Igor Sechin hay anh em Arkady và Boris Rotenberg.

Trỗi dậy và thâu tóm

Thế hệ oligarch hiện đại trỗi dậy trong giai đoạn cải tổ và mở cửa cuối thập niên 1980 dưới thời nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachev và trong giai đoạn tư hữu hóa ở Nga dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin (cầm quyền từ năm 1991 - 1999).

Theo PGS Stanislav Markus của Đại học Nam California (Mỹ), học giả nghiên cứu chuyên sâu về kinh tế hậu Liên Xô và giới oligarch, thì oligarch là nhóm doanh nhân siêu giàu với quyền lực chính trị lớn. Họ đặc biệt mạnh lên sau quá trình tư hữu hóa các tập đoàn nhà nước thông qua những mánh lới vào năm 1995.

Tổng thống Vladimir Putin và tỉ phú Oleg Deripaska hồi năm 2013

Giữa thập niên 1990, nền kinh tế Nga trong tình cảnh khó khăn, ngân sách thâm hụt nặng và ông Yeltsin đứng trước viễn cảnh thất cử trong cuộc bầu cử năm 1996. Trước tình hình đó, cựu quan chức Bộ Ngoại thương của Liên Xô Vladimir Potanin - người sáng lập Ngân hàng tư nhân Oneksimbank, đề xuất chương trình “loans for shares” (cho vay nợ đổi lấy cổ phần) gây nhiều tranh cãi. Theo đó, ông Potanin tập hợp các ngân hàng tư nhân cho chính phủ vay tiền để nhận cầm cố cổ phần trong các tập đoàn nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực béo bở như dầu mỏ, khoáng sản, luyện kim. Chính quyền sau đó không thể hoàn trả, nên các ngân hàng hưởng trọn cổ phần của các tập đoàn nhà nước với giá rẻ như cho, theo The New York Times.

Oneksimbank sở hữu 38% cổ phần Norilsk Nickel, công ty sản xuất platinum và 1/4 lượng nickel của thế giới. Ngân hàng Menatep của tài phiệt Mikhail Khodorkovsky sở hữu 78% cổ phần của Công ty dầu khí Yukos (trị giá 5 tỉ USD) với chỉ 310 triệu USD, trong khi Boris Berezovsky bắt tay với ông Roman Abramovich có được Công ty dầu mỏ Sibneft trị giá 3 tỉ USD với giá chỉ 100 triệu USD. Cổ phần của các công ty khác như Lukoil, Surgutneftegas, Novolipetsk Steel hay Mechel cũng được mang ra đấu giá.

Đây được coi là thời khắc đặt nền móng cho sự hình thành của giới oligarch và nhờ đó mà những người này càng kiểm soát nhiều hơn đối với các lĩnh vực chủ chốt trong nền kinh tế, tài sản nhanh chóng tăng lên đáng kể chỉ trong thời gian ngắn.

Ông Alexei Miller (trái) và ông Igor Sechin

Trong chiến dịch tranh cử năm 1996, ông Berezovsky cùng các tài phiệt khác nắm trong tay các hãng truyền thông mạnh đã tích cực hỗ trợ để ông Yeltsin tái đắc cử. Ông Yeltsin giành chiến thắng và các tài phiệt như Berezovsky tiếp tục duy trì sức mạnh về tiền bạc lẫn ảnh hưởng chính trị.

Oligarch 2.0

Tuy nhiên, từ đầu thập niên 2000 khi Nga có lãnh đạo mới là ông Vladimir Putin thì vai trò của nhóm oligarch đời đầu bắt đầu suy giảm. Berezovsky bán lại cổ phần trong Sibneft cho Abramovich trong thương vụ gây lùm xùm về sau và sống lưu vong ở nước ngoài cho đến khi được tìm thấy treo cổ tự sát tại nhà riêng ở London năm 2013.

Khodorkovsky bị truy tố và bóc lịch, sau đó được thả ra và cũng đang ở nước ngoài. Tỉ phú ngành truyền thông Vladimir Gusinsky bị bắt, rồi khi ra tù thì sống lang bạt nhiều nơi. Những người ở lại chủ yếu là người thiết lập được quan hệ với các lãnh đạo mới như Potanin hay Abramovich.

Trong giai đoạn 2004 - 2006, chính quyền bắt đầu kế hoạch lấy lại quyền kiểm soát các công ty từng bị tư nhân hóa trong các lĩnh vực chiến lược như dầu mỏ, hàng không... Năm 2005, Tập đoàn dầu khí nhà nước Gazprom mua lại 75,7% cổ phần Sibneft của ông Abramovich với giá 13,1 tỉ USD. Tài sản của Yukos cũng bị Tập đoàn dầu mỏ Rosneft thâu tóm được cho là với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường sau các cuộc đấu giá do chính quyền tổ chức.

Tỉ phú Vladimir Potanin, một trong những oligarch thế hệ đầu

Reuters

Nhà phân tích chính trị Peter Lavelle từng bình luận trên RIA-Novosti rằng việc Abramovich bán Sibneft đánh dấu chấm hết cho một thời đại và khởi đầu một thời đại khác. “Nền kinh tế thị trường của Nga bắt đầu với một nhóm nhỏ oligarch thâu tóm tài sản kếch xù thông qua việc mua lại tài sản nhà nước với giá rẻ mạt. Trào lưu này bị đảo ngược khi Điện Kremlin yêu cầu sử dụng mọi biện pháp hành chính để lấy lại tài sản dầu mỏ từ Yukos và tái ban hành quyền kiểm soát nhà nước đối với lĩnh vực năng lượng”, ông Lavelle viết.

Trong thời gian đó, “thế hệ oligarch 2.0” xuất hiện. Trong đó, một số có quan hệ thân cận với giới lãnh đạo, còn một số xuất thân là quan chức chính quyền hoặc từ lực lượng an ninh, quân đội, tình báo, theo Vox. Nổi bật trong nhóm này là Igor Sechin, Chủ tịch Rosneft, từng giữ vị trí Phó thủ tướng Nga. Còn ông Alexei Miller, CEO của tập đoàn dầu khí Gazprom, từng phục vụ dưới trướng ông Putin khi nhà lãnh đạo còn là phó thị trưởng St.Petersburg. Hay ông Sergei Chemezov, CEO tập đoàn quốc phòng Rostec, từng hoạt động tình báo chung với ông Putin tại Đông Đức.

Oligarch thế hệ đầu lên tiếng về chiến sự ở Ukraine

Đến nay, những ý kiến được cho là trái chiều về hành động của Nga tại Ukraine xuất phát từ các oligarch thế hệ đầu tiên. Tỉ phú Mikhail Fridman, người sáng lập Ngân hàng Alfa, ngân hàng tư nhân lớn nhất tại Nga, gọi điều xảy ra là thảm kịch cho người dân hai nước và nên dừng lại, theo Reuters. Tỉ phú ngành thép Oleg Deripaska tuyên bố hòa bình rất quan trọng và các bên phải sớm đàm phán.

Ông Vladimir Potanin, người giàu nhất nước Nga và là người đề ra chương trình “loans for shares” kêu gọi chính quyền nên cẩn trọng về ý định quốc hữu hóa tài sản của các công ty rời khỏi Nga. Ông Potanin là nhân vật hiếm hoi chưa bị phương Tây cấm vận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.