Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Giới trẻ chăm chăm trả lời mà chưa chịu hỏi
09/11/2019 18:43 GMT+7
Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho biết qua tiếp xúc với nhiều người trẻ, bà rút ra một nhận xét là giới trẻ Việt Nam chăm chăm chuẩn bị để trả lời mà chưa tự trang bị, rèn luyện để hỏi.
Tự động phát
Ngày 9.11, tại tọa đàm về giáo dục sáng tạo và giáo dục mầm non do Embassy Education tổ chức , nói về giáo dục giới trẻ và trẻ em, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM, đã có buổi nói chuyện với chủ đề "Giáo dục Việt Nam trong bối cảnh xã hội hiện tại - Làm sao chuẩn bị tốt nhất cho trẻ em".
Khát vọng thật sự chưa nhiều
Nói về khát vọng của giới trẻ Việt Nam, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng khát vọng phải đi đôi với đam mê. Vài tuần lại thay đổi một khát vọng khác thì không còn là khát vọng. Khát vọng là điều bám theo mình, mình phải đeo đuổi, vất vả, nhọc nhằn, trăn trở để khẳng định.
Theo bà Ninh, ở Việt Nam bà có cảm giác khát vọng thứ thiệt chưa nhiều nhưng khát vọng "qua đường" thì rất nhiều. Sự thích thú đi theo phong trào có thể thấy khắp nơi nhưng đeo đuổi khát vọng hết sức lực, tâm trí thì ít. Cần để khát vọng xuất hiện, khẳng định và phát triển một cách tự do nhất.
"Cách đây mấy năm có một cuộc giao lưu với GS Ngô Bảo Châu tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Lúc đó, ban tổ chức đưa ra cho ông một đề tài khá hóc búa: mối quan hệ giữa nghệ thuật, cái đẹp với khoa học? Anh nói rất nhiều, nhưng đã kết cho sinh viên nghe: tuổi trẻ cần phải hướng thượng và hướng thiện. Hướng thượng, theo tôi hiểu là vươn lên để thực hiện tiềm năng mà con người chúng ta có. Hướng thượng là khát vọng, thậm chí tham vọng theo nghĩa tốt đẹp. Làm gì cũng được nhưng hãy làm một cách xuất sắc, khác biệt. Ngay cả nấu ăn cũng cần phải nấu một cách xuất sắc", bà Ninh chia sẻ.
Hãy dạy học sinh biết đặt câu hỏi
Nói về việc đầu tư vào giáo dục, bà Ninh cho rằng phải bắt đầu ngay từ cái nền là giáo dục mầm non. Bắt đầu từ sớm như vậy không phải là học chữ thật sớm. Quan trọng nhất là từ rất sớm, cần góp phần hướng cho trẻ khả năng tư duy, kỹ năng sống cần thiết để đi vào hành trình phát triển của bản thân, đi vào cuộc sống và ra thế giới bên ngoài.
Tư duy này đương nhiên phải là tư duy độc lập. Suy nghĩ bằng chính bộ óc của mình chứ không phải nhận xét, nhận định bằng cái nhìn của người xung quanh. "Tư duy phản biện" hiện nay là ngôn từ đang thịnh hành. Nhưng qua tiếp xúc, giao lưu với rất nhiều người trẻ, bà rút ra một nhận xét. Đó là giới trẻ Việt Nam hiện nay luôn chăm chăm chuẩn bị để trả lời. Chưa thấy ai chăm chăm tự trang bị, rèn luyện để hỏi. Khi giao lưu, người trẻ đều lo lắng chuẩn bị trả lời nhưng khi được mời hỏi thì chỉ có một sự im lặng. Trong khi đó, tò mò là xuất phát điểm của nghiên cứu khoa học. Phải tò mò "tại sao? để làm gì?"... Ở mầm non, bà không biết là nên trang bị chưa. Nhưng ở phổ thông thì dứt khoát các giáo viên cần chú ý khả năng đặt câu hỏi. Vì đó là xuất phát điểm của tư duy phản biện, tư duy khoa học. Phải chăng nên có những bài tập để đặt câu hỏi được giảng dạy tại các trường.
"Có nhiều kỹ năng sống cần trang bị cho trẻ em. Nhưng trong đó, sự sẵn sàng chia sẻ là tiêu chí nhà trường từ mầm non cần xây dựng cho đứa trẻ. Tôi muốn nhấn mạnh đến sự đồng cảm như một kỹ năng sống. Sợ nhất là sự thờ ơ, vô cảm. Khi đăng ký nộp hồ sơ cho con em ở Mỹ, Canada..., người ta luôn hỏi thanh niên đó có tham gia công việc của cộng đồng, xã hội hay không. Họ không chỉ quan tâm điểm học mà còn xem người nộp đơn có quan tâm thế giới xung quanh không, có sẵn sàng góp phần mình mang lại sự tốt đẹp cho xã hội xung quanh không", bà Ninh chia sẻ.
Cũng theo bà Ninh, trong việc giáo dục kỹ năng sống từ bậc mầm non đến giới trẻ, thanh niên, với thực tế xã hội chuyển biến ngày càng phức tạp hiện nay thì giáo dục phòng chống bạo lực và xâm hại dưới mọi hình thức, trên mọi phương tiện, mọi nơi, ngay cả trên mạng là điều cực kỳ quan trọng.
Bình luận (0)