Chương trình do Câu lạc bộ Sinh viên hội nhập HUFLIT (HSIC) hợp tác cùng UNESCO - CEP tổ chức.
Phải biết lật ngược vấn đề
Tại buổi nói chuyện bà Tôn Nữ Thị Ninh (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội) nhìn nhận toàn cầu hóa là xu thế khách quan, đang và sẽ tiếp tục diễn ra. Mình phải hiểu nó, xem có thể tự đặt mình ra khỏi quá trình đó hay không, nếu không thì phải tham gia vào và ứng xử với nó như thế nào?
Trước hết, khi hội nhập toàn cầu thì không nên nghĩ mình phải học những gì của thế giới, phải thích nghi như thế nào, phải điều chỉnh bản thân như thế nào để phù hợp với thế giới, mà luôn cân nhắc là ta mang cái gì ra thế giới? Mình muốn làm chủ quá trình toàn cầu hóa, phải đặt câu hỏi là ta mang hành trang gì chia sẻ cho thế giới. Đừng bao giờ nghĩ ta nghèo, ta nhỏ nên ta phải đi theo học và nhận từ bên ngoài. Phải tự tin và tự trọng dân tộc chứ không phải tự cao. Mà tự trọng dân tộc thì bạn phải biết Việt Nam mình có cái gì hay?
“Với tư cách là thanh niên Việt Nam thì bạn chia sẻ với thế giới cái gì? Hay cứ thu nhận những điều bên ngoài và cho nó là hay. Tôi xin khẳng định là không phải cái gì bên ngoài cũng hay. Cho nên óc phán đoán của mình phải luôn giữ vững vàng. Nói cách khác là luôn luôn làm chủ được mình trong quá trình hội nhập”, bà Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh.
Vậy người trẻ Việt Nam làm gì để hội nhập? Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh thì dân gian ta có câu “biết người biết ta...”. Nhưng hiện nay các bạn thanh niên cứ lo biết "người" mà chẳng biết gì "ta" cả. Mỗi người nên tìm hiểu được cái gì hay của Việt Nam để quảng bá ra thế giới. Mình cũng phải tự định vị được đất nước và định vị bản thân.
|
Bà Ninh cũng cho rằng hành trang ngoại ngữ là không thể thiếu. Dù học hay làm gì thì ngoại ngữ luôn là chìa khóa thông hành trong thời đại hội nhập. Ngoại ngữ không chỉ giao tiếp mà còn tiếp cận với kho tàng tri thức của nhân loại.
“Điều đặc biệt là phải luôn luôn lật ngược vấn đề. Không nên nhìn một sự việc, lời khẳng định mà cho rằng không có vấn đề gì. Tìm ra vấn đề mới là hay. Không lật ngược vấn đề thì mình chỉ là người bình bình, cách tiếp cận vấn đề trúng, mới và có góc cạnh sẽ gây được ấn tượng”, bà Ninh nhấn mạnh.
Làm thế nào đối phương, đối tác nước ngoài vừa nễ trọng vừa quý mến mình. Đạt được cả hai cùng lúc mới là hội nhập một cách hiệu quả.
Làm tất cả miễn là việc lương thiện
Cũng tại buổi nói chuyện bà Ninh cho rằng người trẻ hỏi khó hơn trả lời. Đôi khi các bạn chăm chăm là phải có câu trả lời, câu nói hay. Nhưng để đánh giá một thanh niên có đầu óc tư duy hay phản biện thì bà thấy trước hết là phải biết hỏi. Người nước ngoài, họ hỏi rất nhiều. Bởi vì họ luôn có tư duy không cho những lời thầy cô nói là đương nhiên, là chân lý, là đúng, mà phải qua bộ lọc của chính mình. Làm được điều đó sẽ cho thấy bạn có sự trưởng thành của tư duy. Có lẽ vì thế mà những câu chia sẻ của bà tại buổi nói chuyện đều đi từ những câu hỏi. Và bà dành thời gian để được lắng nghe sinh viên hỏi.
tin liên quan
Cần thúc đẩy tư duy phản biện của giới trẻ Việt
Bạn Nguyễn Trần Tâm, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ tin học TP.HCM, hỏi: “Toàn cầu hóa đi liền với thế giới phẳng, có rất nhiều người Việt Nam đã khẳng định vị trí của người Việt mình trên thế giới. Nhưng hiện nay vẫn có rất nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp. Vậy tại sao lại thất nghiệp. Và làm sao có được hướng suy nghĩ tích cực hơn để biết bản thân mình ở đâu và đưa Việt Nam ra thế giới?”
Với vế thứ nhất là sinh viên thất nghiệp thì theo bà Ninh có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là nền kinh tế có vấn đề, không tạo đủ công ăn việc làm? Thứ 2 là đào tạo của các trường chưa đáp ứng nhu cầu và mong đợi của nhà tuyển dụng. Còn thứ 3 thái độ tư duy của người sinh viên ra trường.
“Tôi nghĩ đối với bản thân sinh viên, nếu chưa tìm được việc thì làm việc gì cũng được miễn là có lao động. Lúc ở Pháp, tốt nghiệp với bằng khá cao nhưng không xin được việc. Họ bắt phải có thẻ lao động mà bản thân thì cứ nói 'cho tôi làm đi thì tôi sẽ có thẻ lao động'. Nhưng rồi xin nhiều nơi cũng không được và tôi đã định đi giữ trẻ, mở báo tìm rồi gọi điện cho người dân ở Pháp đang cần thuê người giữ con ở nhà. Kể câu chuyện này để nhấn mạnh là tôi đã từng sẵn sàng đi giữ trẻ tại nhà cho người khác. Nếu thời điểm chưa cho phép, thì miễn là có việc làm, lao động mà lương thiện thì nên làm. Đương nhiên nếu không đúng trình độ, đúng sở trường thì cũng không nên ở đó lâu. Tuy nhiên, thanh niên nên năng động, đừng chờ đúng cái mình thích, đúng cái mình mong đợi...”, bà Ninh chia sẻ.
Còn chuyện làm thế nào biết mình là ai và làm gì để có suy nghĩ tích cực để đưa Việt Nam ra thế giới thì bà Ninh cho rằng điều này cần có thời gian. Miễn là các bạn luôn canh cánh giữ trong đầu thì đến một lúc bạn sẽ tự trả lời được câu hỏi đó.
Bình luận (0)