'Bà trùm' TrustBank vắng mặt tại tòa, xét xử sao ?

22/04/2018 10:10 GMT+7

Với kết quả giám định sức khỏe chỉ còn 7%, bà Hứa Thị Phấn, bị can chính trong vụ TrustBank bị rút ruột hơn 12.000 tỉ đồng, nhiều khả năng sẽ không có mặt tại phiên xét xử.

 Vậy phiên tòa liệu có diễn ra và việc xét xử sẽ ra sao nếu bị cáo “đầu vụ” vắng mặt?
Theo dự kiến, từ ngày 8 - 31.5, TAND TP.HCM sẽ xét xử sơ thẩm vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín - viết tắt TrustBank, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng 27 đồng phạm.
Phiên tòa sẽ do Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM Phạm Lương Toản làm chủ tọa. Có 5 luật sư (LS) tham gia bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn.
Cơ quan điều tra chưa hỏi cung được bị can !
Theo cáo trạng, tháng 6.2010, vốn điều lệ của TrustBank là 3.000 tỉ đồng. Đầu năm 2007, bà Phấn mua gần 255 triệu cổ phần của TrustBank, tương đương hơn 2.500 tỉ đồng, chiếm gần 85% vốn điều lệ của ngân hàng này. Lợi dụng việc nắm giữ vốn điều lệ lớn, cổ đông lớn, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của TrustBank, bà Phấn đã thâu tóm HĐQT, ban điều hành và cán bộ của TrustBank, lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng, hoạt động thu chi tiền mặt, rút ruột của TrustBank hơn 12.000 tỉ đồng.
Hậu quả, TrustBank bị Ngân hàng Nhà nước xếp loại D (loại yếu kém), tháng 2.2012 vốn chủ sở hữu âm hơn 2.800 tỉ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỉ đồng.
Vụ án liên quan đến Hứa Thị Phấn được tách thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, cáo trạng chỉ truy tố hành vi sai phạm của bị cáo gây thiệt hại cho TrustBank hơn 6.362 tỉ đồng. Riêng khoản thiệt hại 5.643 tỉ đồng qua 3 hành vi khác của bị cáo Phấn sẽ được tách ra điều tra tại giai đoạn 2 của vụ án.
Cũng theo hồ sơ vụ án, bà Phấn bị khởi tố bị can ngày 22.3.2017. Nhưng từ ngày 6.3.2017, bà này được đưa đến Bệnh viện đa khoa Tân Hưng (Q.7, TP.HCM) cấp cứu. Từ đó đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an nhiều lần đến Bệnh viện đa khoa Tân Hưng để hỏi cung nhưng bà Phấn luôn trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi đều không trả lời.
Các LS bào chữa cho bà Phấn kiến nghị hoãn hỏi cung cho đến khi sức khỏe của bà tốt hơn nên cơ quan điều tra chưa thể hỏi cung bà Phấn để làm rõ thêm các nội dung liên quan đến hành vi phạm tội của bị can. Tuy nhiên, theo diễn biến thời gian, cơ quan điều tra nhận thấy bà Phấn vẫn ký tên vào các đơn tố cáo, đơn kiến nghị và đơn kháng cáo trong một vụ án khác, nên đã đề nghị HĐXX cần xem xét, đánh giá thái độ không hợp tác của bà Phấn trong quá trình xét xử để quyết định hình phạt.
Trong đại án Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), ở phiên sơ thẩm bà Phấn cũng vắng mặt với lý do sức khỏe, nhưng bị TAND TP.Hà Nội tuyên 17 năm tù về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Bị cáo sau đó có kháng cáo phúc thẩm và trong phiên phúc thẩm đang diễn ra ở Hà Nội, bị cáo này cũng vắng mặt.
Vắng mặt vẫn có thể xử
Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM Phạm Lương Toản cho biết về tình trạng sức khỏe của bà Phấn, trong hồ sơ đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa do Cơ quan CSĐT Bộ Công an trưng cầu giám định nên HĐXX xét thấy không cần thiết phải trưng cầu lại.
Theo kết luận giám định này, bà Phấn mất sức khỏe 93%, do các bệnh cao huyết áp giai đoạn 2, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, thoái hóa khớp gối... và không có khả năng đi lại.
“Việc bà Phấn có mặt tại phiên tòa hay không đến ngày mở phiên tòa mới biết được vì hiện tại các LS của bà Phấn chưa có đề nghị nào liên quan. Tòa cũng đã tống đạt giấy triệu tập hợp lệ đến bị cáo. Nếu bà Phấn vì sức khỏe không thể có mặt và xét thấy sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại đến việc xét xử thì HĐXX vẫn xét xử vụ án bình thường”, ông Toản nhấn mạnh.
Việc bà Phấn được xác định là chủ mưu trong tất cả hành vi phạm tội nhưng chưa có một lời khai tại cơ quan điều tra, nay lại xử vắng mặt, liệu có ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ án hoặc có gây bất lợi cho bị cáo?
Theo LS Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM), việc khởi tố, truy tố, xét xử một bị cáo không chỉ căn cứ vào lời khai mà còn căn cứ vào nhiều chứng cứ khác. Chuyện chứng minh tội phạm là trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng, còn việc khai hay không khai là quyền của bị can, bị cáo. “Trường hợp, nếu bà Phấn có mặt tại tòa nhưng thực hiện quyền im lặng theo quy định bộ luật Tố tụng hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng buộc phải có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ phù hợp khác để chứng minh hành vi phạm tội của bà Phấn”, LS Hoan nói và cho rằng “Trường hợp bà Phấn vắng mặt vẫn xử được”.
Nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM Vũ Phi Long cho rằng đây là trường hợp khá hy hữu khi xét xử một bị cáo đầu vụ mà không có bất kỳ lời khai nào của bị cáo. “Người bị mất 93% sức khỏe thì tạm thời được coi là người có nhược điểm về thể chất và tâm thần. Tuy nhiên, để xác định họ có mất/hạn chế năng lực hành vi, mất/hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình thì phải qua giám định pháp y”, ông Long nói và viện dẫn khoản 1 điều 290 bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định “bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa”.
“Trong trường hợp này, bà Phấn có lý do bất khả kháng nên phải trưng cầu giám định tâm thần đối với bà Phấn. Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì HĐXX tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Ngoài ra, tòa án còn có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong trường hợp bị cáo làm đơn đề nghị xét xử vắng mặt và HĐXX chấp nhận, nếu sự vắng mặt không gây trở ngại cho việc xét xử”, ông Long phân tích và cho rằng phải làm rõ được khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của bà Phấn mới có quyết định xét xử bị cáo này hay không.
Cũng theo ông Phi Long, trường hợp xét xử vắng mặt bà Phấn nhưng phát sinh lời khai mới, bất lợi hoặc có lợi cho bà Phấn, nghĩa vụ chứng minh tội phạm là của các cơ quan tiến hành tố tụng. “Lúc này viện kiểm sát phải tìm những chứng cứ khác phù hợp để kết tội bà Phấn và HĐXX là người xem xét các chứng cứ, lời khai mới phát sinh tại tòa”, ông Long nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.