Chiều 12.4, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thường kỳ quý 1/2024, thông tin về kết quả trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, thi hành án dân sự, quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp...
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi liên quan đến vụ án Trương Mỹ Lan xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Theo đó, ngoài trách nhiệm hình sự là mức án tử hình, bị cáo Trương Mỹ Lan buộc phải bồi thường hàng trăm ngàn tỉ đồng cho SCB. Số tài sản bị kê biên trong vụ án này là khổng lồ, lên tới hàng ngàn bất động sản, khối lượng công việc phải thi hành cũng rất lớn. Vậy, cơ quan thi hành án có xây dựng kế hoạch gì cho việc thi hành án, có khó khăn gì không?
Ngoài vụ án trên, bà Trương Mỹ Lan còn liên quan đến một vụ khác về trái phiếu, với hàng chục ngàn bị hại. Vậy, việc thi hành án dân sự trong vụ SCB có chờ bản án của vụ việc này để xử lý một cách tổng thể hay không?
Cơ quan thi hành án nói gì về việc Trương Mỹ Lan phải bồi thường hơn 670.000 tỉ đồng?
Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), cho biết ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án nêu trên, các tài sản, vật chứng đã được chuyển giao cho cơ quan thi hành án.
Do đó, Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát tính pháp lý của các tài sản để đảm bảo cho quá trình thi hành án sau này.
Ông Lợi nhấn mạnh, bản án mới tuyên ngày hôm qua và là án sơ thẩm nên chưa có hiệu lực thi hành. Trường hợp phần án dân sự nếu tới đây không có kháng cáo, kháng nghị hoặc bản án có hiệu lực pháp luật, việc thi hành án dân sự sẽ được thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
"Sau khi bản án có hiệu lực, người được thi hành án có đơn đề nghị thi hành án thì cơ quan thi hành án sẽ ban hành quyết định thi hành án", ông Lợi thông tin.
Vẫn theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, vụ án Vạn Thịnh Phát có quy mô rất lớn, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội.
Tổng cục Thi hành án dân sự đã chủ động chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự địa phương, chủ yếu là Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, xây dựng kế hoạch chi tiết về bố trí nguồn lực thi hành án. Tổng cục cũng chủ động cử cán bộ hướng dẫn công tác thi hành án, nhằm sẵn sàng thi hành ngay khi bản án có hiệu lực.
Đối với vụ án liên quan đến trái phiếu, ông Lợi cho hay, khi có bản án có hiệu lực pháp luật, việc thi hành án dân sự cũng sẽ được thực hiện đúng quy định pháp luật.
Số lượng việc, tài sản, tiền cần thu hồi đều tăng
Hôm qua 11.4, TAND TP.HCM tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi) mức án tử hình cho cả 3 tội danh đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, tham ô tài sản.
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc bị cáo Lan bồi hoàn tiền lãi, toàn bộ dư nợ hơn 1.280 khoản vay được xác định chiếm đoạt, gây thiệt hại 677.000 tỉ đồng cho SCB. Tính toán khấu trừ phần nghĩa vụ của các bị cáo đã hoàn trả cho Trương Mỹ Lan, số tiền còn phải khắc phục là hơn 673.800 tỉ đồng.
Tòa cũng tuyên tiếp tục kê biên hàng ngàn bất động sản liên quan đến bà Lan để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
Báo cáo từ Bộ Tư pháp cho hay, từ tháng 10.2023 - tháng 3.2024, cơ quan thi hành án thuộc Bộ Tư pháp đã thi hành xong 242.304 việc và trên 47.595 tỉ đồng. Trong đó, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 1.177 việc với hơn 10.000 tỉ đồng.
Công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong hệ thống cơ quan thi hành án dân sự được tập trung chỉ đạo. Tính từ ngày 1.10.2023 đến 29.2.2024, cơ quan thi hành án dân sự thu hồi số tiền gần 9.000 tỉ đồng.
Tại hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2024, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, sắp tới công tác thi hành án dân sự sẽ khó khăn, bởi số lượng việc, tài sản, tiền cần thu hồi đều tăng ở các địa phương. Có những đại án với số tiền, tài sản phải thu hồi rất lớn, vượt quá bộ khung hiện nay của cơ quan thi hành án dân sự.
Vì vậy, ông Khôi đề nghị các cơ quan thi hành án sắp xếp biên chế để đáp ứng yêu cầu công việc hiện nay.
Bình luận (0)