Chúng tôi hẹn gặp nghệ sĩ Mai Thanh Dung ở một quán cà phê tại quận 5 (TP.HCM). Nữ diễn viên được người em họ chở đến trên chiếc xe máy cũ. Ở tuổi 67, cuộc sống của bà Tư Ù Đất phương Nam gặp nhiều khó khăn. Nghệ sĩ Mai Thanh Dung mắc chứng bệnh Parkinson, đi lại khó khăn. Chồng bà cũng bị tai biến, sức khỏe yếu. Hiện nữ diễn viên vẫn đi giảng dạy tại các sân khấu, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Để giữ sức khỏe, bà cân đối chế độ ăn và giảm được 20kg.
"Tôi bị Parkinson, tay chân run rẩy"
* Ở tuổi 67, sức khỏe của nghệ sĩ Mai Thanh Dung ra sao?
- Nghệ sĩ Mai Thanh Dung: Tôi phát hiện mắc chứng bệnh Parkinson vào đầu năm nay. Khi ấy, tôi cảm thấy tay chân run rẩy mỗi khi cầm nắm đồ vật nên đã đến bệnh viện kiểm tra. May mắn là tôi phát hiện bệnh sớm nên điều trị có hiệu quả.
Bệnh Parkinson đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của tôi. Từ một người khỏe mạnh, chủ động trong mọi việc, bây giờ tôi gặp khó khăn khi đi lại. Công việc dọn dẹp nhà, nấu nướng đều nhờ hết vào cô em.
Ngoài ra, tôi còn bị bệnh tim. Bác sĩ bắt phải nhập viện để chữa vì rất nguy hiểm. Hằng tháng, tôi phải uống 3 toa thuốc của các bác sĩ khác nhau. Già rồi thì phải bệnh tật, chấp nhận "sống chung với lũ" thôi, không tránh được.
|
* Nhìn bề ngoài, bà cũng gầy hơn trước?
- Tuổi già, tôi nhận thấy cân nặng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Vì thế, tôi cố gắng giảm cân theo cách đơn giản nhất là cân đối chế độ ăn. Tôi chỉ ăn hai bữa một ngày. Mỗi bữa, tôi ăn nửa chén cơm và rau, canh, không ăn tối. Sau thời gian dài thực hiện nghiêm ngặt chế độ ăn này, tôi giảm được 20kg. Bây giờ, tôi thấy nhẹ nhõm và linh hoạt hơn. Tôi không tập luyện, vận động mạnh được vì tay chân yếu hơn xưa. Hằng ngày, tôi tập mấy động tác nhẹ nhàng tại nhà. Ngày trước, có thời điểm, tôi nặng hơn 90kg. Đến tận bây giờ, cân nặng vẫn là điều ám ảnh với tôi.
* Thu nhập từ việc đi giảng dạy tại các sân khấu có giúp bà đủ trang trải cuộc sống và chi phí thuốc men?
- Mỗi tháng tôi tốn khoảng 4 triệu đồng chi trả cho các loại thuốc men. Chồng tôi cũng bị bệnh tai biến, đi lại khó khăn. Cả hai vợ chồng đều không có tiền lương hưu nên khá vất vả. Thu nhập từ việc đi dạy không đủ để chi trả cuộc sống hằng ngày.
May mắn là từ khi uống thuốc, bệnh Parkinson của tôi đỡ hơn trước. Tôi nhớ lúc mới phát hiện bệnh, tôi không thể cầm nắm bất cứ thứ gì. Mỗi lúc nói chuyện, môi bị run liên tục, không kiểm soát được. Bây giờ, tôi có thể đi lại và vẫn tiếp tục công việc giảng dạy.
* Các con của chị giúp đỡ cha mẹ ra sao?
- Tôi có hai người con, một trai, một gái. Con gái lớn thì lấy chồng, đang sống ở Mỹ. Con trai thứ 2 làm nghề lồng tiếng, sống chung cùng cha mẹ. Hằng tháng, các con có hỗ trợ cho cha mẹ một ít để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, tôi không muốn làm phiền các con nhiều.
Buồn vì diễn viên trẻ lo chạy show, bỏ học
* Chứng bệnh Parkinson có ảnh hưởng đến công việc dạy học tại sân khấu của bà?
- Khi đi dạy, tôi được cô em họ chở đến. Bệnh tật không ảnh hưởng nhiều đến công việc giảng dạy. Mấy chục năm trong nghề, kiến thức, kỹ năng đã in sâu trong đầu tôi. May mắn là có công việc giảng dạy, gặp gỡ học trò khiến tôi đỡ nhớ nghề hơn. Nếu không bệnh chắc giờ tôi vẫn tham gia phim ảnh. Thời gian này, đạo diễn Trung Dân có mời tham gia phim ngắn nhưng tôi đang cân nhắc.
|
* Trong các thế hệ học trò là diễn viên, bà tự hào về ai nhất?
- Tôi đã dạy qua nhiều lứa học trò. Mỗi thế hệ đều có một vài gương mặt điển hình. Tôi ấn tượng nhất là Minh Nhí, Hữu Châu, Quang Minh, Hồng Đào, Hồng Vân. Hạnh phúc của thầy cô là thấy học trò mình thành danh. Hồng Vân, Hồng Đào nói được cả giọng Bắc lẫn Nam. Bất cứ vai diễn nào đôi bạn ấy cũng có thể đảm nhận, kể cả bi, hài.
Các diễn viên ở thế hệ trước chăm chỉ học hành, luôn cố gắng để trau dồi diễn xuất. Tôi nhớ khi còn đi học, Hồng Vân ngại nhận phim lắm. Còn bây giờ, học trò nhiều khi chỉ vì được mời tham gia một, hai cảnh trong bộ phim nào đó là bỏ học để đi quay.
Gần đây, một giảng viên than với tôi là bước vào lớp, chỉ có đúng một học sinh ngồi đợi. Mấy chục học viên đều vắng mặt, thầy phải cầm điện thoại gọi cho từng đứa để đến lớp. Tôi thấy cảnh này mà buồn quá. Theo lẽ thường, học trò phải đến sớm, đợi thầy cô giảng dạy. Trong khi bây giờ, thầy còn phải gọi điện để thúc giục các em.
* Trước thực trạng học viên bỏ học để chạy show, không lo bồi dưỡng diễn xuất, bà giải quyết ra sao?
- Mỗi khi đứng lớp, tôi luôn dạy học trò của mình: "Mọi sự nổi tiếng đều được đánh đổi bằng công sức, sự chăm chỉ và tâm huyết. Các em hãy có khát vọng vươn lên bằng danh thực sự chứ không phải ảo ảnh, hư danh".
Việc chạy show, tham gia một vài cảnh trong phim là các em đang đi theo bản năng. Đến một ngày, bản năng đó cũng hết. Điều quan trọng là phải nuôi dưỡng sự thanh xuân trong nghề nghiệp bằng cách học hành và thu lượm kiến thức, trải nghiệm sống.
Diễn xuất thực chất là sự bắt chước. Thế hệ sau bắt chước đàn anh, đàn chị đi trước, diễn viên nước ngoài. Không ai phạt bản quyền việc bắt chước trong diễn xuất. Tuy nhiên, bắt chước cũng phải có sự sáng tạo, thể hiện được cái riêng của bản thân.
Tôi khóc khi thấy Phùng Ngọc làm xe ôm, bỏ nghề diễn
* 20 năm sau khi Đất phương Nam lên sóng, có kỷ niệm nào với vai bà Tư Ù khiến bà nhớ mãi?
- Bà Tư Ù trong Đất phương Nam là vai diễn đáng nhớ nhất của tôi tính đến thời điểm hiện tại. Sau mấy chục năm, tôi đi diễn ở bất cứ đâu, khán giả vẫn nhận ra. Có lần, tôi đi về miền Tây, bà con vẫn chạy lại nắm tay gọi tôi là bà Tư Ù.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất là đạo diễn Vinh Sơn yêu cầu tôi quay cảnh bắt rắn bằng tay không. Vốn là người sợ rắn nên tôi đã năn nỉ đạo diễn đổi cảnh. Sau đó, đạo diễn đã chấp thuận, đổi sang cảnh tôi bắt cá, nấu cháo. Bây giờ, tôi vẫn nhớ Hùng Thuận với vai bé An hay Phùng Ngọc trong vai Cò.
|
- Nhắc đến Hùng Thuận và Phùng Ngọc, bà vẫn liên lạc với hai diễn viên này chứ?
- Tôi vẫn thỉnh thoảng gặp Hùng Thuận trong một số lần đi diễn. Nó vui vẻ chào và hỏi thăm sức khỏe của tôi. Tôi thấy tiếc vì Hùng Thuận bây giờ không vượt qua được bóng của bé An trong Đất phương Nam.
Điều khó khăn nhất là Hùng Thuận không tìm được một vai diễn để lại dấu ấn của bản thân. Lâu nay chỉ thấy Hùng Thuận xuất hiện trong một số gameshow, hoặc những vai diễn bình thường, mờ nhạt.
Còn về Phùng Ngọc, tôi chỉ gặp một lần khi quay chương trình Ký ức vui vẻ vào năm ngoái. Lần đó, tôi không nhận ra Phùng Ngọc vì ngoại hình thay đổi, phát tướng. Đến khi biết chuyện nó chạy xe ôm, cuộc sống vất vả và phải bỏ nghề diễn viên, tôi đã khóc vì thương cảm.
Ngay từ nhỏ, cuộc sống của Phùng Ngọc đã cực khổ hơn những đứa trẻ khác. So với Hùng Thuận, Phùng Ngọc thiếu điều kiện hơn để phát triển. Ai cũng nói tiếc vì diễn viên có thực lực như Phùng Ngọc lại bỏ nghề. Nhưng mỗi người một hoàn cảnh. Tôi chỉ mong Hùng Thuận, Phùng Ngọc sống vui vẻ, hạnh phúc sau những biến cố cuộc đời.
* Xin cảm ơn bà và chúc bà thật nhiều sức khỏe!
Bình luận (0)