Bà Yingluck Shinawatra bị cấm hoạt động chính trị 5 năm

23/01/2015 15:38 GMT+7

(TNO) Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck chính thức bị cấm tham gia chính trường 5 năm sau kết quả bỏ phiếu của Hội đồng lập pháp quốc gia (NLA) ngày 23.1, theo Bangkok Post .

(TNO) Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra chính thức bị cấm tham gia chính trường 5 năm sau kết quả bỏ phiếu của Hội đồng lập pháp quốc gia (NLA) ngày 23.1, vài giờ sau khi Văn phòng Tổng chưởng lý Thái Lan tuyên bố sẽ truy tố hình sự bà.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra - Ảnh: Reuters
Theo Bangkok Post, thành viên NLA bắt đầu bỏ phiếu buộc tội bà Yingluck từ 10 giờ 20 sáng nay 23.1. Kết quả, bà Yingluck chính thức bị tuyên có tội vì có đến 190 phiếu thuận, 18 phiếu chống (8 phiếu trắng và 3 phiếu không hợp lệ).
Trong khi đó, cựu chủ tịch Thượng Viện Nikom Wairatpanich (120 phiếu thuận, 95 phiếu chống, 4 phiếu trắng), và cựu chủ tịch Hạ viện Somsak Kiatsuranon (115 phiếu thuận, 100 phiếu chống, 4 phiếu trắng) đều “thoát tội”.
Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC) đã yêu cầu NLA xử bà Yingluck (em gái cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra) vì thiếu trách nhiệm, không ngăn được tham nhũng, làm thất thoát xảy ra trong Chương trình trợ giá gạo từ năm 2011 đến 2014 khi bà còn đương nhiệm.
Theo AFP, vài giờ trước đó, Văn phòng Tổng chưởng lý Thái Lan cho biết bà Yingluck sẽ bị truy tố hình sự và tội tham nhũng liên quan đến chương trình trợ giá gạo, có thể lãnh án 10 năm tù. Trước đó, bà Yingluck đã không xuất hiện trong phiên luận tội thứ hai của NLA vào ngày 16.1.
Trong các phiên luận tội trong hai tuần qua, bà Yingluck lên tiếng khẳng định chương trình trợ giá gạo của bà là cần thiết để giúp những nông dân nghèo, đồng thời cho biết những phiên luận tội bà là hành động vô ích vì bà không còn đương nhiệm để bị phế truất.
Chương trình trợ giá gạo đã giúp bà Yingluck, em gái của cựu Thủ tướng Thái Thaksin Shinawatra, thắng cử trong cuộc bầu cử năm 2011. Chương trình này thu mua gạo của nông dân với giá cao hơn giá trị trường, khiến chính phủ Thái tổn thất 15 tỉ USD tiền ngân sách, theo ước tính của Bộ Tài chính nước này.
Bà Yingluck, nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, đã bị phế truất với cáo buộc lạm quyền hồi tháng 5.2014, vài ngày trước khi quân đội Thái Lan lên nắm quyền điều hành đất nước.
AFP dẫn lời các nhà phân tích nhận định Thái Lan sẽ đối mặt với làn sóng biểu tình mới nếu bà Yingluck bị buộc tội, nhưng điều này hiện tại chưa thể xảy ra bởi vì Thái Lan, hiện do quân đội nắm quyền, cấm biểu tình.
Nhận định về động thái trên của NLA, ông Pavin Chachavalpongpun, một học giả Thái Lan thuộc Đại học Kyoto (Nhật Bản), cho AFP biết: “Mục tiêu chính là nhằm ngăn chặn bà Yingluck và gia đình nhà Shinawatra tham gia chính trường”.
Thái Lan rơi vào tình trạng bế tắc chính trị gần một thập niên qua kể từ vụ đảo chính quân sự hồi 2006, lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin. Kể từ năm 1932 đến nay, Thái Lan đối diện với 19 lần âm mưu hoặc đảo chính thật sự, theo AFP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.