Sợ buông ra là không thể tìm được việc làm
Ngày 30 tết, ông Mới vẫn cặm cụi với công việc bảo vệ, trông giữ xe tại một quán cà phê trên đường Trần Hoàng Na (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ).
Ông kể, vợ chồng ông có 3 con, trong đó cô gái út có phần nhút nhát, khù khờ, được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Nhà có 5 công vườn trồng vú sữa nhưng làm mãi không đủ ăn nên 10 năm trước, ông Mới giao lại mảnh vườn cho vợ rồi lên Bình Dương làm bảo vệ cho một xưởng gỗ.
Đại dịch Covid-19 bùng phát, ông Mới về quê, sau đó xin làm trong một công ty thủy sản ở Vĩnh Long nhưng được 1 tuần thì bị chê lớn tuổi, chậm chạp, không đáp ứng được yêu cầu. "Từ đó, tôi xin việc khác rất khó. Tôi trở lại làm bảo vệ cho cửa hàng mỹ phẩm, tiệm vàng, sau đó là quán cà phê này. Nghề mình thấp kém, có chỗ người ta đối xử tử tế, có chỗ sơ suất 1 chút là bị trả về công ty", ông Mới nói. Người bảo vệ già thở dài kể tiếp: "Khoảng 10 năm trước, tôi được trả công 12.000 đồng/giờ, nhưng nay cũng chỉ có 13.000 đồng/giờ. Nhưng có việc là mừng rồi, phải ráng bám trụ, bởi buông ra là không thể tìm được việc làm".
Hiện tại, mỗi ngày, ông Mới trực bảo vệ khoảng 16 tiếng (từ 6 giờ sáng đến 22 giờ tối –PV). Công việc chính là coi quán, giữ và dắt xe ra vào cho khách, ngoài ra còn những việc phụ khác khi quán yêu cầu. "Thoạt nhìn, nghề này có vẻ đơn giản nhưng thực tế áp lực lắm, nếu không cẩn thận làm trầy xước xe thì khách sẽ phản ánh. Nguy cơ bị đuổi việc rất cao, thậm chí phải bồi thường nếu mất xe. Thế nên lúc vắng khách cũng phải gò lưng ngồi trực, không dám lơ là, ngủ gật. Nhiều lúc thèm đọc một tờ báo cũng không dám", ông Mới tâm sự.
Ngoài thời gian làm việc, ông Mới ở, sinh hoạt cùng với khoảng 10 đồng nghiệp khác, nhưng ít khi hội tụ đông đủ vì mỗi người làm một ca khác nhau. Mỗi tháng, tiền điện, nước khoảng 50.000 đồng/người. Tiền lương khoảng 6 triệu, ông Mới chỉ giữ lại 1 triệu tiêu xài, phần còn lại gửi về cho gia đình. Chủ quán cảm thông hoàn cảnh nên cho ông Mới tận dụng tạm chỗ nấu ăn. Gian bếp chỉ có vài bát đũa, bếp gas mini và nồi cơm điện. Bữa ăn ngày Tết cũng chỉ có khứa cá kho cùng vài ngọn rau má ăn ghém.
Người bảo vệ già mất vợ và con trai, con dâu vì Covid-19: Ai mướn gì làm nấy để nuôi cháu
'Thèm' cái tết trọn vẹn bên gia đình
Nhắc đến chuyện ăn tết, vẻ mặt ông Mới chùng xuống. Hơn 10 năm làm bảo vệ, ông chưa bao giờ được ăn tết với gia đình đúng nghĩa. Lúc ở Bình Dương, vì xa xôi cách trở, ông không về quê ăn tết và cũng không mua sắm gì cho mình. Khi làm ở Cần Thơ, gần nhà nhưng lịch trực tết cũng kín mít. Tết này, ông chỉ xin nghỉ được mùng 4 vì chuyện 'bất đắc dĩ' là đám cưới của con trai ông.
Theo ông Mới, dù đã 10 năm ăn tết xa nhà nhưng cảm giác nhớ nhung, mong muốn về ăn tết với con cháu vẫn y vậy. Tết đến, ai cũng muốn về nhà sum họp, chẳng qua là vì hoàn cảnh khó khăn nên phải chấp nhận làm việc xuyên tết.
Mặc dù, lương ngày tết sẽ được nhân 3, nhưng để xứng đáng với số tiền tăng thêm này, công sức ông Mới bỏ ra cũng không ít. Đôi lúc ông làm không kịp thở, đôi tay đau rát bởi có 1 mình phải căng sức sắp xếp hàng trăm chiếc xe cho ngay hàng, thẳng lối. "Có ngày đuối sức không về nhà đội nổi, cứ mắc võng trong quán, đắp mềm, đốt nhang ung muỗi là ngủ thiếp đi. Sáng lại thức sớm để 6 giờ vào trực, tiếp tục công việc. Thấy người ta đi chơi tết, vợ con điện hỏi thăm hoài mình cũng chạnh lòng, nhất là tội nghiệp cho con mình", ông Mới bày tỏ.
Ngày tết để ông Mới vơi bớt nhớ nhà, vợ con ông nấu bánh tét, thịt kho hột vịt gửi lên cho ông. Phía công ty cũng cho phần quà gồm đường, bột ngọt, dầu ăn, thèo lèo tặng người bảo vệ già. Đó là niềm an ủi phần nào để ông Mới tiếp tục công việc mưu sinh nuôi gia đình.
"Tôi không có bằng cấp gì, tuổi đã xế chiều, chẳng bao lâu nữa làm hết nổi nên bây giờ phải cố gắng tằn tiện, kiếm tiền để còn tự mình lo mình sau này. Năm sau, cuộc sống vơi bớt khó khăn, tôi chắn chắn sẽ về quê ăn tết", ông Mới mong ước.
Người lao động nghèo chọn ăn tết xa nhà vì gánh nặng lì xì, quà cáp
Bình luận (0)