Bắc cầu vào ‘ốc đảo’ cho con đi học ở Long An: Không thể 'thẳng tay đập bỏ'

30/12/2019 11:06 GMT+7

UBND H.Cần Giuộc (Long An) ra quyết định phạt hành chính anh Nguyễn Văn Thiện 40 triệu đồng vì tự ý xây cầu, và buộc đập bỏ cây cầu này, mặc dù anh làm vì mục đích cho con đi học "không phải lội nước qua kênh".

"Tôi ủng hộ anh Thiện"

Trước đó, anh Nguyễn Văn Thiện (38 tuổi, ngụ xã Phước Vĩnh Đông, H.Cần Giuộc) tự ý xây cầu qua kênh vì chủ đất mới đến rào ruộng, bít lối đi của gia đình anh và các hộ trong xóm hay đi nhờ vào nhà. Do việc làm cầu dân sinh này khi chưa có sự châp thuận của chính quyền địa phương, UBND H.Cần Giuộc ra quyết định xử phạt và yêu cầu anh Thiện trả lại nguyên trạng.
Với mức phạt 40 triệu đồng, anh Thiện cho biết: “Tôi nghèo, không có tiền đóng phạt”.
Nhiều bạn đọc Thanh Niên đồng cảm với tình huống của anh Thiện: “Tôi ủng hộ anh Thiện. Mục đích làm cầu cho nhiều người khác sử dụng, cho các cháu đi học. Không có tư lợi cá nhân gì trong việc này nên mong người dân đồng thuận yêu cầu chính quyền chấp nhận sự tồn tại của cây cầu”.
Nhiều ý kiến bạn đọc cũng cho rằng, việc xây cầu dân sinh phục vụ nhu cầu đi lại của dân, là trách nhiệm của chính quyền của địa phương. Khi chính quyền địa phương chưa làm được, thì cần phải quan tâm tạo điều kiện cho người dân làm, đồng thời nếu có vấn đề phát sinh cần phải giải quyết thấu tình đạt lý, chứ không thể “thẳng tay đập bỏ”.
Bạn đọc Phái (TP.HCM) lên tiếng bênh vực: “Luật pháp để phục vụ con người. Luật cũng phải xử hợp tình hợp lý chứ. Tôi ủng hộ anh Thiện. Con cái họ nữa, nhìn vào cuộc sống họ rồi mới nói”.
“Nhu cầu người dân ở vùng sâu này cần có cây cầu là rất quan trọng. Giống như nông dân phải có ruộng, qua kênh phải có cầu. Nếu tháo dỡ cầu này, một số hộ nơi đây sẽ lội qua con rạch đi và về”, bạn đọc Lê Lối (Long An) giải thích thêm.

“Nên hướng dẫn hợp thức hóa”

Ngày 26.12, anh Thiện đến trình bày không có khả năng đóng tiền với cán bộ xã Phước Vĩnh Đông. Trong thời gian anh Thiện chờ đợi để được giải quyết, bạn đọc Thanh Niên gợi ý nhiều giải pháp cho trường hợp của anh Thiện.
Có ý kiến cho rằng, tháo dỡ cây cầu là đúng quy định nhưng cần có biện pháp thỏa đáng vì nhu cầu đi lại của người dân là thiết yếu.
“Tôi đồng ý đập cây cầu đó. Nhưng xã phải xin ý kiến của tỉnh làm một cây cầu lại cho bà con và học sinh đi học”, một bạn đọc tại An Giang cho ý kiến.

Nếu đây là nhu cầu cần thiết để đi lại cho người dân sinh hoạt, con em họ đi học an toàn thì nên hướng dẫn hợp thức hóa thành cầu dân sinh công cộng. Có như vậy thì chính quyền và dân mới gần nhau được

Bạn đọc Thanh Niên

Trong khi đó, hầu hết ý kiến cho rằng nên giữ lại cây cầu đang xây của anh Thiện: “Người dân vùng sâu chưa nắm hết luật lệ, họ nghĩ sao thấy tiện là làm. Thiết nghĩ chính quyền địa phương nên hướng dẫn và giúp đỡ họ chứ sao lại phạt. Nếu đây là nhu cầu cần thiết để đi lại cho người dân sinh hoạt, con em họ đi học an toàn thì nên hướng dẫn hợp thức hóa thành cầu dân sinh công cộng. Có như vậy thì chính quyền và dân mới gần nhau được”.
Bạn đọc Phạm Hồng Thái (Hà Nội) cùng quan điểm: “Chính quyền nên giải thích cho dân hiểu luật và hướng dẫn làm thủ tục hợp thức hóa và cho tồn tại nếu không ảnh hưởng tới an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.