Bắc cực nóng vì căn cứ quân sự Mỹ

29/11/2016 09:00 GMT+7

Căng thẳng có nguy cơ bùng phát tại Bắc cực sau khi Greenland hối thúc Đan Mạch dọn dẹp “di sản” của Mỹ ở trong vùng.

Đài RT ngày 28.11 đưa tin người đứng đầu ngành ngoại giao Greenland Vittus Qujaukitsoq đã gửi thư cho Ngoại trưởng Đan Mạch Kristian Jensen, kêu gọi Copenhagen thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với môi trường ở Bắc cực. Greenland yêu cầu Đan Mạch sớm đưa ra kế hoạch dọn dẹp “tàn tích” tại các căn cứ quân sự Mỹ, trong đó có cả chất phóng xạ tại một căn cứ từng được vận hành bằng năng lượng hạt nhân.
Giới chức Greenland hành động rốt ráo do lo ngại tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay sẽ làm tan băng và cuốn trôi ra đại dương mọi chất thải độc hại còn sót lại trong các căn cứ quân sự cũ của Mỹ.
Hiểm họa môi trường
Mọi chuyện bắt nguồn từ việc Đan Mạch cho phép Mỹ xây 33 căn cứ và trạm radar tại Greenland, theo thỏa thuận được ký giữa hai bên hồi năm 1951. Greenland không có tiếng nói trong hiệp ước này vì khi đó còn là một tỉnh trực thuộc Đan Mạch. Chỉ đến năm 2009, Greenland mới có quyền tự trị lớn hơn.
Thời điểm Chiến tranh lạnh leo thang, Washington quan tâm đến Greenland vì đây là vị trí chiến lược tại Bắc cực. Đến những năm 1959 - 1960, Mỹ xây dựng căn cứ Century bên dưới bề mặt băng ở tây bắc Greenland. Washington nói rằng Century dùng để thử nghiệm các kỹ thuật xây dựng dưới bề mặt băng, song trên thực tế đây là bệ phóng tên lửa đạn đạo bí mật. Trong căn cứ Century, Mỹ nghiên cứu triển khai các tên lửa hạt nhân (được cho là khoảng 600 tên lửa) chôn dưới lòng băng nhằm đối phó Liên Xô trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Tuy nhiên dự án tham vọng của Mỹ phải bỏ dở vào năm 1966 sau khi lớp băng ở Greenland bắt đầu dịch chuyển, có dấu hiệu phá hủy căn cứ bên dưới. Washington quyết định di dời toàn bộ Century, trong đó có cả lò phản ứng hạt nhân giúp cung cấp điện cho căn cứ. Thế nhưng, Mỹ lại “quên” mang theo khoảng 200.000 lít nhiên liệu diesel, 240.000 lít nước thải, một số chất độc có thể gây ung thư và một lượng không rõ chất thải phóng xạ dùng làm mát máy phát điện hạt nhân, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học York (Canada) được công bố trên chuyên san Geophysical Research Letters hồi tháng 8.
Rắc rối bắt đầu khi các nhà khoa học mới đây cảnh báo hiện tượng ấm lên toàn cầu đã làm lớp băng ở Greenland bắt đầu tan ra khiến rất nhiều vật liệu độc hại sẽ bị lộ diện, trở thành hiểm họa khôn lường cho môi trường. “Các mô phỏng khí hậu cho thấy thay vì tuyết rơi không ngừng, có vẻ như là vào đầu năm 2090, khu vực trên (Greenland) có thể chuyển từ tuyết rơi liên tục sang băng tan. Khi lớp băng tan, các chất thải tích tụ lâu nay theo thời gian cũng sẽ hòa tan theo”, chuyên gia khí hậu William Colgan tại Đại học York phát biểu trước hội nghị của Hội Địa lý Mỹ.
Kiện lên Liên Hiệp Quốc
Nhận thức được mối nguy tiềm tàng trên, chính quyền Greenland bắt tay vào dọn dẹp “di sản” của Mỹ, theo AP. Thế nhưng với dân số chỉ khoảng 56.000 người, Greenland không đủ nguồn lực để hoàn tất công việc đồ sộ này. Vì vậy, họ buộc phải hối thúc những quốc gia liên quan.
Tờ The Washington Post đưa tin trong thư gửi Đan Mạch, ông Qujaukitsoq nói rằng: “Nếu Đan Mạch chưa ký các thỏa thuận khác với Mỹ về căn cứ Century thì chính Copenhagen phải một mình chịu trách nhiệm điều tra mức độ ô nhiễm và dọn dẹp mọi thứ”. Greenland cũng nói rõ nếu Đan Mạch không làm được thì hãy kêu gọi Washington giúp một tay. Ông Qujaukitsoq còn dọa Greenland sẽ đề nghị hỗ trợ từ “các tổ chức quốc tế thích hợp” nếu Đan Mạch tiếp tục làm ngơ.
Theo tờ Politiken của Đan Mạch, trong thư ông Qujaukitsoq thậm chí đã đề cập đến công ước của Liên Hiệp Quốc liên quan đến quyền lợi của các bộ lạc bản địa từng được Đan Mạch ký kết. Đó là công ước về Bộ lạc và Dân tộc bản địa của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên Hiệp Quốc , được ban hành để hướng dẫn các nước thành viên có chính sách thích hợp nhằm tôn trọng các quyền tập thể người bản địa, chẳng hạn như văn hóa, bản sắc, ngôn ngữ, tiếp cận việc làm, y tế, giáo dục và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, theo tờ The Artic Journal.
Tờ The Artic Journal còn đưa tin quốc hội Đan Mạch trong phiên nhóm họp hồi trung tuần tháng này đã xem vấn đề trên là “nghiêm trọng”. Ngoại trưởng Đan Mạch Jensen thậm chí đã đến Greenland để gặp ông Qujaukitsoq. Tại cuộc hội đàm ngày 17.11 ở Nuuk - thủ phủ Greenland, ông Jensen nói rằng Bộ Môi trường Đan Mạch sẽ điều tra mọi hiểm họa đối với môi trường từ nguy cơ tan băng, từ đó Copenhagen mới có thể hành động. “Tôi hy vọng việc này sẽ được làm càng sớm càng tốt”, ông Jensen nói, song không tiết lộ thêm chi tiết.
Cựu Thủ tướng Greenland Aleqa Hammond, hiện là đại diện của dân Greenland (đa số là người bản địa Inuit) tại quốc hội Đan Mạch, tuyên bố có thể đưa Đan Mạch ra trước Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc nếu Copenhagen không giải quyết rốt ráo đống chất thải. “Đan Mạch phải chịu trách nhiệm dọn dẹp sau người Mỹ. Tôi nhìn thấy một cuộc khủng hoảng chính trị tiềm tàng giữa Greenland và Đan Mạch”, bà Hammond nói.
Theo hiệp ước về việc thiết lập các căn cứ quân sự vào năm 1951, Mỹ không bị bắt buộc phải xử lý môi trường tại Greenland. Tờ The Christian Science Monitor cho hay Lầu Năm Góc từng biện hộ Mỹ đã hành động đúng theo thỏa thuận trên, vốn “phản ảnh một sự chia sẻ với nước chủ nhà trong việc đóng góp quốc phòng cho thế giới tự do”. Và hiệp ước cũng không buộc Mỹ phải trả các vị trí ở Greenland trở về tình trạng ban đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.