Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu tham quan gian trưng bày đặc sản muối Bạc Liêu |
Ông Phạm Văn Thiều, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành du lịch Bạc Liêu nói riêng và cả nước nói chung gần như bị “đóng băng”. Chủ trương “mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới” của Thủ tướng Chính phủ cho thấy quyết tâm của các cấp, các ngành và địa phương trong nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, góp phần phục hồi phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người sống bằng nghề này.
Xây dựng Bạc Liêu thành trung tâm du lịch
Bạc Liêu là một trong số ít những địa phương mà Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh 2 lần ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, với mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tạo bước đột phá nhằm phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô và chất lượng; đảm bảo phát triển bền vững; xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm du lịch và dịch vụ của khu vực ĐBSCL, có thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao và có nội dung văn hóa sâu sắc, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch. Trước mắt, Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025, đón hơn 7 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 10.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 7% trong tổng GRDP của tỉnh.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu tham quan mô hình nuôi tôm trong nhà kính ven biển |
Để làm được điều đó, Bạc Liêu đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ như: Tập trung nguồn lực đầu tư; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch; hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; tăng cường các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của tỉnh, nhất là du lịch văn hóa, sinh thái; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch... Trong đó, hợp tác với các địa phương, nhất là với TP.HCM và ĐBSCL luôn được chú trọng. Tỉnh đã và đang tích cực tham gia vào cơ chế liên kết liên vùng về phát triển du lịch.
Hỗ trợ phát triển du lịch ĐBSCL
Theo ông Phạm Văn Thiều, khu vực ĐBSCL mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế tiếp giáp với trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là TP.HCM, nhưng lâu nay vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận thị trường này. Do vậy, ông Thiều đề nghị Bộ VH-TT-DL quan tâm hỗ trợ nhiều hơn đến du lịch vùng ĐBSCL; trước mắt cần ưu tiên hỗ trợ cho các địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến đầu tư và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Ngoài ra, đề nghị các bộ, ngành liên quan kiến nghị Chính phủ tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội cho khu vực ĐBSCL để tạo điều kiện phát triển kinh tế du lịch, vì thực tế nhiều địa phương trong khu vực hạ tầng dịch vụ còn yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng, tài nguyên du lịch.
Nhà hát 3 nón lá ở trung tâm TP.Bạc Liêu |
Phan Thanh Cường |
Bên cạnh đó, trong quá trình lập Đề án Quy hoạch du lịch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần chú trọng đưa các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch của ĐBSCL vào tổng thể quy hoạch, để có định hướng và dành nguồn lực đầu tư phát triển. Riêng Bạc Liêu đã có văn bản đề xuất đưa Khu du lịch tổng hợp Nhà Mát - ven biển TP.Bạc Liêu vào danh mục Khu vực ưu tiên quy hoạch trở thành Khu du lịch Quốc gia.
Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch
Từ nhận thức du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính chất liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao; Liên kết hợp tác phát triển du lịch phải dựa trên nhiều mặt, nhiều đối tượng và nhiều cấp độ, để tạo thành tiếng nói chung, hướng đến sự phát triển bền vững… Bạc Liêu mong muốn lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL cần sớm triển khai xây dựng khung chính sách liên kết. Trong đó, cần xác định cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò động lực, điều tiết các mối quan hệ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể khác tham gia sâu rộng vào cơ chế liên kết cấp vùng và liên vùng.
Cánh đồng điện gió ven biển Bạc Liêu |
Bạc Liêu sẽ tiếp tục cùng các địa phương xây dựng và hoàn thiện cơ chế liên kết, phối hợp trong việc hình thành chính sách thu hút và phân bổ đầu tư, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, nhằm tránh tình trạng cạnh tranh, chạy đua thu hút đầu tư, dẫn đến lợi ích tổng thể giảm sút trong toàn vùng.
Trước mắt, Bạc Liêu mong muốn nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư của TP.HCM và cả nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hoạt động kinh doanh du lịch của địa phương, đặc biệt là hình thành các trung tâm, điểm đến du lịch mang tính chất liên kết của vùng. Các doanh nghiệp du lịch ở TP.HCM và cả nước hỗ trợ và chuyển giao kỹ năng, công nghệ đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch chất lượng cao cho khu vực ĐBSCL nói chung, trong đó có Bạc Liêu.
Bạc Liêu cam kết sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho cơ chế liên kết, hợp tác phát triển và chuỗi giá trị để sớm trở thành một trong những trung tâm du lịch tiêu biểu của toàn vùng ĐBSCL.
Bạc Liêu có 9/38 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL
Toàn khu vực ĐBSCL có 38 điểm du lịch tiêu biểu, thì Bạc Liêu có đến 9 điểm được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận, gồm: Đền thờ Bác Hồ (ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi); Khu du lịch sinh thái Hồ Nam; Khu Quảng trường Hùng Vương; Khu nhà Công tử Bạc Liêu; Khu biển nhân tạo - Khu du lịch Nhà Mát; Khu Lưu niệm Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; Khu Nhà hàng- Khách sạn Bạc Liêu; Khu Quán âm Phật đài và Khu điện gió Bạc Liêu. Hiện tỉnh đang tiến hành khảo sát, hoàn thiện hồ sơ dự kiến cuối năm 2022 đề nghị Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận Khu chùa Xiêm Cáng là điểm du lịch tiêu biểu thứ 10 của Bạc Liêu.
Bình luận (0)