Bạc Liêu: Truy tố 7 cựu cán bộ ngân hàng gây thiệt hại hơn 36 tỉ đồng

26/09/2023 17:38 GMT+7

Gây thiệt hại tổng số tiền hơn 36 tỉ đồng, 7 cựu cán bộ ngân hàng bị Viện KSND tỉnh Bạc Liêu truy tố về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Ngày 26.9, tin từ Viện KSND tỉnh Bạc Liêu cho biết, đơn vị vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 7 bị can là cựu cán bộ ngân hàng về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Các bị can bị truy tố gồm: Phạm Văn Liệt (48 tuổi, cựu Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu - chi nhánh Cà Mau, tạm gọi tắt ACB Cà Mau); Nguyễn Ngọc Lê Hoàng (48 tuổi, cựu kiểm soát viên tín dụng ACB Cà Mau); Nguyễn Văn Sơn (47 tuổi, cựu Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình - chi nhánh Bạc Liêu, ABBank Bạc Liêu); Võ Văn Thương (40 tuổi, cựu Trưởng phòng Quan hệ khách hàng); Kim Hoàng Minh Tân (43 tuổi, cựu Trưởng phòng Quản lý tín dụng); Đinh Quốc Toàn (36 tuổi, cựu chuyên viên quan hệ khách hàng) và Trương Bích Thủy (41 tuổi, cựu chuyên viên quan hệ tín dụng, cùng ABBank Bạc Liêu).

Bạc Liêu:Gây thiệt hại 36 tỉ đồng, 7 cựu cán bộ ngân hàng bị truy tố  - Ảnh 1.

Bị cáo Ngô Chí Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Minh Hiếu (đứng), tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, là người có liên quan đến vụ 7 cựu cán bộ ngân hàng bị truy tố

C.T.V

Theo cáo trạng truy tố, ngày 25.2.2011, Lê Thị Hạc, Tổng giám đốc Công ty CP thủy hải sản Minh Hiếu (Công ty Minh Hiếu - P.1, TX.Giá Rai, Bạc Liêu) và ACB Cà Mau ký kết hợp đồng tín dụng với hạn mức 3 triệu USD, thời hạn 12 tháng. Mục đích tài trợ xuất khẩu trước khi giao hàng 1 triệu USD, tài trợ sau giao hàng 2 triệu USD. Tài sản thế chấp là hàng tồn kho luân chuyển, trị giá 30 tỉ đồng. 

Từ ngày 25.2 - 23.11.2011, Công ty Minh Hiếu được ACB Cà Mau giải ngân 25 khế ước nhận nợ, tổng số tiền hơn 3,1 triệu USD. Công ty sử dụng 13 hóa đơn khống đã vay ở các ngân hàng khác rồi cung cấp cho ACB Cà Mau để giải ngân. Sau đó, công ty tất toán được 17 hợp đồng, còn lại 8 hợp đồng, tổng số tiền hơn 20 tỉ đồng. Tại thời điểm kiểm tra tài sản thế chấp ngày 10.12.2012, giữa đại diện ACB cà Mau và Công ty Minh Hiếu, hàng tồn kho chỉ còn 7.955 kg. ACB Cà Mau đã bán và thu được hơn 334 triệu đồng. Như vậy, ACB Cà Mau bị thiệt hại, không thu hồi được hơn 20 tỉ đồng.

Đối với ABBank Bạc Liêu, ngày 16.12.2010, Lê Thị Hạc và ABBank Bạc Liêu ký hợp đồng tín dụng hạn mức, khoản vay tối đa 3,5 triệu USD, thời gian 12 tháng. Hạn mức tài trợ xuất khẩu 2,5 triệu USD, hạn mức chiết khấu 1 triệu USD. Tài sản thế chấp là giá trị hàng tồn kho, các khoản phải thu hơn 3,3 triệu USD; máy móc, thiết bị nhà xưởng, nhà kho trị giá hơn 8,3 tỉ đồng.

Từ ngày 7.1 - 14.12.2011, ABBank Bạc Liêu giải ngân cho Công ty Minh Hiếu 89 hợp đồng, tổng số tiền hơn 148 tỉ đồng và hơn 3,9 triệu USD. Công ty đã tất toán 47 hợp đồng, còn lại 42 hợp đồng, với tổng số tiền nợ gốc hơn 69 tỉ đồng. Sau khi trừ các giấy nợ được xác định không sai phạm, ABBank Bạc Liêu bị thiệt hại, không thu hồi được hơn 16 tỉ đồng.

Cáo trạng quy kết, 7 cựu cán bộ ACB Cà Mau, ABBank Bạc Liêu nêu trên đã vi phạm về xét duyệt, thẩm định cho vay; thiếu kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay; giải ngân cho vay, thẩm định tài sản đảm bảo là hàng tồn kho không đúng, không đầy đủ theo quy định, dẫn đến hậu quả là ACB Cà Mau, ABBank Bạc Liêu không thu hồi được tổng số tiền hơn 36 tỉ đồng.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 26.9

Nhiều sai phạm tại Công ty Minh Hiếu

Liên quan vụ án nêu trên, ngày 7.3.2023, TAND tỉnh Bạc Liêu xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Lê Thị Hạc 18 năm tù; Ngô Chí Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Minh Hiếu (chồng Hạc) tù chung thân; các bị cáo đồng phạm gồm: Nguyễn Thị Út, 12 năm tù; Huỳnh Hồng Bảo, 11 năm tù; Nguyễn Bỉnh Son, 8 năm tù; Lê Tiến Dũng, 7 năm tù; Huỳnh Thanh Đoàn, 6 năm tù và Đỗ Minh Đang, 4 năm tù, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, Hạc và Dũng đã lợi dụng chính sách ngân hàng cấp tín dụng cho doanh nghiệp tài trợ xuất khẩu hải sản. Để đáp ứng quy định của ngân hàng về cho doanh nghiệp vay, cả 2 đã thành lập ra nhiều công ty, hộ kinh doanh rồi nhờ người làm công đứng tên và tự đứng tên nhằm xuất hóa đơn giữa các công ty với nhau.

Các bị cáo đã gian dối trong việc lập báo cáo tài chính về kết quả kinh doanh có lãi gửi cho ABBank Bạc Liêu, ACB Cà Mau và BIDV Bạc Liêu để vay vốn, nhưng thực tế kết quả kinh doanh đều lỗ; Thế chấp tài sản là hàng hóa tồn kho khống cùng lúc đến 3 ngân hàng. Lập, xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống, sử dụng một hóa đơn khống cung cấp cho nhiều ngân hàng để làm căn cứ cho ngân hàng giải ngân. Qua đó, vợ chồng Hạc và các đồng phạm chiếm đoạt tổng số tiền hơn 67 tỉ đồng của 3 ngân hàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.