Theo đó, quy chế quy định việc tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, công khai, minh bạch, cụ thể, rõ ràng, thống nhất; ưu tiên xử lý các phản ánh, kiến nghị đối với các vấn đề chung, vì sự phát triển của xã hội.
Thời gian tiếp nhận thông tin phản ánh của cá nhân, tổ chức được thực hiện 24/24 giờ, 7 ngày/tuần. Đối với phản ánh, kiến nghị khẩn cấp cần giải quyết tức thời, như: hỏa hoạn; tai nạn; trộm cướp; mất an toàn, an ninh trật tự,… cá nhân, tổ chức phản ánh trực tiếp qua đường dây "nóng" của các cơ quan, đơn vị được đăng tải trên ứng dụng.
Quy chế cũng quy định, các phản ánh, kiến nghị gửi lên hệ thống phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, rõ ràng, đơn nghĩa, không viết tắt, phải có hình ảnh hoặc video hiện trường. Nội dung, hình ảnh, video, thời gian, địa điểm, thông tin phản ánh phải trung thực, khách quan, rõ ràng, chính xác.
Đồng thời, không vi phạm quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ bí mật nhà nước; không vi phạm pháp luật, đạo đức, thuần phong mỹ tục; không sử dụng từ ngữ có tính chất thóa mạ, chỉ trích, phê phán, quy chụp hoặc kích động các tổ chức, cá nhân; không đăng tải nhiều lần phản ánh về cùng một sự việc, gây trùng lặp dữ liệu.
[VIDEO] Thử thao tác app "Phản ánh kiến nghị" của tỉnh Bắc Ninh
Phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức gửi đến hệ thống sẽ chuyển tới đầu mối tiếp nhận là chủ tịch UBND cấp xã, sau đó được giao cho cán bộ trực tiếp xử lý. Sau khi cán bộ xử lý phản ánh xong sẽ chụp ảnh lại hoặc đính kèm file và tải lên ứng dụng. Ứng dụng sẽ thông báo tới người dân đã phản ánh về việc phản ánh đã được xử lý xong và người dân có thể đánh giá mức độ hài lòng về kết quả xử lý của cán bộ.
Đối với phản ánh, kiến nghị không thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan, đơn vị mình, chủ tịch UBND cấp xã chuyển tiếp phản ánh, kiến nghị đó đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý, đồng thời ghi rõ lý do chuyển tiếp.
Việc giám sát xử lý phản ánh, kiến nghị được thực hiện theo nguyên tắc: lãnh đạo UBND cấp xã giám sát toàn bộ việc xử lý phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn quản lý để chỉ đạo. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện giám sát việc xử lý phản ánh, kiến nghị trên địa bàn tương ứng và đối với các lĩnh vực quản lý.
Đối với các phản ánh có nội dung khẩn cấp, cơ quan, đơn vị xử lý phải tiến hành xử lý ngay khi tiếp nhận. Đối với các phản ánh có nội dung phức tạp, đặc thù, chưa thể xử lý ngay, cơ quan, đơn vị xử lý phản ánh phải có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền, đồng thời phản hồi ý kiến người dân kèm theo văn bản này.
Xem nhanh 20h ngày 6.2: Điện chính thức tăng giá | Nhà vệ sinh công cộng Việt Nam giành giải lớn
Để đánh giá kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị, cá nhân, tổ chức gửi phản ánh có quyền trao đổi, phản hồi lại thông tin nhằm làm rõ hơn kết quả xử lý của cơ quan xử lý. Cơ quan xử lý có trách nhiệm làm rõ thông tin phản hồi từ kết quả giải quyết của cá nhân, tổ chức. Cá nhân, tổ chức khi nhận được kết quả xử lý phản ánh, thực hiện đánh giá mức độ hài lòng đối với kết quả xử lý. Việc đánh giá cần khách quan trên cơ sở quy định pháp luật, tình hình thực tế và vì sự phát triển của toàn xã hội.
"Ứng dụng không tiếp nhận, xử lý thông tin khiếu nại, tố cáo, hướng dẫn, giải đáp pháp luật; phản ánh về quy định hành chính; phản ánh về hoạt động kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể; các vấn đề đặc thù về tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán", quyết định nêu rõ.
Trước đó, từ năm 2021, Bắc Ninh đã triển khai thí điểm ứng dụng "Phản ánh kiến nghị" trên thiết bị di động tại địa bàn TP.Bắc Ninh; bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, tạo được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và chính quyền các cấp.
Bình luận (0)