Bác sĩ: 10 thứ cần thiết nên có trong tủ thuốc gia đình dịp tết

20/01/2023 14:16 GMT+7

Tủ thuốc gia đình cần có một số loại thiết yếu thông thường, nhất là dịp lễ tết, khi cần dùng có ngay.

Tết Nguyên đán 2023 kéo dài 7 ngày, đồng nghĩa với các bệnh viện, phòng khám, cơ sở y tế, nhà thuốc cũng sẽ nghỉ và thường chỉ trực những tình huống cấp cứu. Chính vì vậy chuẩn bị một tủ thuốc nhỏ trong gia đình là điều nhất thiết cần chuẩn bị nhất là gia đình có em bé, người lớn tuổi hoặc người có bệnh mạn tính.

7 loại thuốc cơ bản trong tủ thuốc gia đình

Tủ thuốc gia đình với các loại thuốc cơ bản và một số dụng cụ xử trí vết thương

ĐÀO NGỌC THẠCH

  1. Thuốc giảm đau hạ sốt. Đây là loại thuốc đầu tay cần trang bị trong tủ thuốc của mỗi gia đình và không được thiếu. Có nhiều loại thuốc giảm đau hạ sốt trên thị trường và bạn nên chọn loại có tác dụng hạ sốt tốt, dễ sử dụng mà ít tác dụng phụ, đó là Paracetamol (Aceta minophen). Liều dùng khuyến cáo của Paracetamol là 10-15mg/kg/lần và sử dụng cách mỗi 4-6 giờ nếu còn sốt hoặc đau. Chỉ định sử dụng khi đau nhiều (đau đầu, đau răng, đau vết thương…) và sốt, tức là khi nhiệt độ đo được tại nách là 38,5 độ C và đo tại trán là 38 độ C, nếu dưới ngưỡng này thì nên lau mát hoặc tắm mát và theo dõi nhiệt độ thường xuyên.
  2. Thuốc hỗ trợ tiêu hóa. Bao gồm men tiêu hóa, thuốc giảm đầy hơi, thuốc cầm đi ngoài để đề phòng những trường hợp tiêu chảy gây mất nước; thuốc trị táo bón như thuốc bơm glycerin hoặc thuốc làm mềm phân. Lưu ý về liều lượng sử dụng có thể xem trên bao bì sản phẩm hoặc hỏi bác sĩ của gia đình để được tư vấn và lưu ý sử dụng cho từng thành viên.
  3. Dung dịch bù nước như điện giải, oresol. Đây là loại thuốc cực kỳ cần thiết, sử dụng cho những trường hợp tiêu chảy và nôn ói để tránh mất nước. Mất nước là tình trạng vô cùng nguy hiểm nhất là ở trẻ em với biểu hiện như mệt mỏi, lừ đừ, tiểu ít, môi khô, khát nước nhiều, đòi uống nước liên tục hay khóc không có nước mắt và dấu véo da mất chậm (cần đánh giá của nhân viên y tế). Khi bạn hoặc người nhà có những dấu hiệu trên thì bạn cần đưa nhanh đến cơ sở y tế để được xử lý bù nước sớm và kịp thời.
  4. Nước súc họng, nước rửa tay khô, nước muối sinh lý, bình xịt rửa mũi. Trong thời điểm hiện tại, khi mà các loại dịch bệnh như Covid-19, cúm… vẫn còn chưa được kiểm soát hoàn toàn thì việc chuẩn bị các dung dịch vệ sinh mắt, tai, mũi, họng là cần thiết sau khi đi ra ngoài hoặc đến chỗ đông người và trở về nhà. Ngoài ra, khi đi du xuân khó tránh khỏi những tình huống bị bụi hay dị vật rơi vào mắt, những bình nước muối sinh lý nhỏ có thể giúp rửa mắt và làm trôi những bụi bẩn và dị vật nhỏ đó
  5. Thuốc chống dị ứng. Bạn nên trang bị thuốc chống dị ứng cả dạng viên uống và dạng kem bôi ngoài da để đề phòng những trường hợp dị ứng nhẹ gây mẫn ngứa. Một số loại thuốc có thể tham khảo sử dụng tại nhà như thuốc chứa thành phần loratadine, desloratadine, kem bôi da eumovate, hentrisone… Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ và được hướng dẫn sử dụng trước khi trang bị trong tủ thuốc gia đình.
  6. Miếng dán salonpas hay dầu xoa bóp. Hai loại trên đều có tác dụng giảm đau cho vùng cơ, xương bị tổn thương như là bong gân, đau cổ vai gáy, đau lưng, viêm khớp…
  7. Thuốc điều trị bệnh lý mạn tính. Đây là nhóm thuốc cực kỳ cần thiết trong tủ thuốc nếu gia đình có người đang điều trị bệnh lý mạn tính và cần dùng thuốc hằng ngày. Hãy đảm bảo bản thân hoặc người nhà có đủ thuốc sử dụng trong suốt kỳ nghỉ tết cho tới khi bệnh viện hoặc cơ sở y tế chính thức làm việc trở lại.

Các vật dụng y tế trong tủ thuốc gia đình

  1. Bộ dụng cụ sơ cấp cứu: Một bộ dụng cụ đầy đủ sẽ bao gồm bông băng, băng gạc, gạc vô trùng; dung dịch sát khuẩn như nước ô xy già, cồn hoặc nước muối sinh lý; băng keo y tế, urgo… Đây là những vật dụng cơ bản giúp xử trí những vết thương nhỏ ít nghiêm trọng để tránh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn nặng hơn.
  2. Nhiệt kế: Bạn có thể trang bị cho tủ thuốc nhiệt kế điện tử hoặc nhiệt kế thủy ngân, đây là dụng cụ vô cùng cần thiết để đánh giá và theo dõi nhiệt độ cơ thể về vấn đề sốt, nhất là ở những gia đình có trẻ em.
  3. Các loại máy đo tùy từng gia đình: Bao gồm máy đo huyết áp ở gia đình có người lớn tuổi, người có tiền sử tăng hoặc tụt huyết áp. Máy đo đường huyết ở gia đình có người bị bệnh lý đái tháo đường. Máy phun khí dung ở gia đình có người bị các bệnh lý phổi tắc nghẽn như hen, COPD. Và máy đo SpO2 (độ bão hòa oxy máu mao mạch) là dụng cụ nên trang bị cho mỗi gia đình trước tình hình dịch Covid-19 có thể quay lại bất kỳ khi nào.

Ngoài ra, với mỗi loại bệnh lý khác nhau sẽ có những máy móc hỗ trợ tại nhà khác, tốt nhất với những gia đình có người nhà bị bệnh lý mạn tính nên hỏi bác sĩ điều trị cần trang bị thiết bị nào ở nhà để đảm bảo sức khỏe xuyên suốt những ngày tết bệnh viện đóng cửa.

Ngày tết, nhiều trẻ em mê chơi mà quên uống nước, phụ huynh cần nhắc nhở con em uống đủ nước

shutterstock

Qua đợt dịch Covid vừa rồi có lẽ cũng giúp các gia đình trang bị những kiến thức y học cơ bản và việc chuẩn bị và biết cách sử dụng một tủ thuốc gia đình trở nên đơn giản hơn bao giờ hết. Chúc quý gia đình có một cái Tết Nguyên đán 2023 an toàn và tươm tất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.