Bác sĩ 24/7: Có phải ăn nhiều tinh bột, đường dễ bệnh tiểu đường?

28/08/2023 04:05 GMT+7

Tôi nghe nói ăn nhiều đường, tinh bột... làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường đúng không? Xin bác sĩ chỉ giúp các biện pháp phòng ngừa bệnh tiểu đường. Xin cảm ơn bác sĩ. (Q.Anh, ở Tân Phú, TP.HCM).

Bác sĩ chuyên khoa 1 Đinh Trần Ngọc Mai, khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải đáp: Đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường, là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả hai, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng. Nếu kiểm soát không tốt đường huyết có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến hệ tim mạch, thần kinh, tiêu hóa... 

Bác sĩ 24/7: Có phải ăn nhiều tinh bột, đường dễ bệnh tiểu đường? - Ảnh 1.

Ăn nhiều đường, tinh bột một cách không kiểm soát gây dư thừa calo, dẫn đến thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường

Shutterstock

Có các yếu tố sau đây sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2: 

- Tiền sử gia đình có bố mẹ, anh chị em ruột mắc bệnh tiểu đường.

- Tiền sử bản thân từng bị tiểu đường thai kỳ.

- Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.

- Tăng huyết áp. 

- Ít hoạt động thể lực.

- Thừa cân, béo phì.

- Bị rối loạn dung nạp đường hay rối loạn đường huyết lúc đói.

- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang. 

Việc ăn nhiều đường, tinh bột một cách không kiểm soát gây dư thừa calo, dẫn đến thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ gây tiểu đường. Tuy nhiên cần hiểu rõ rằng tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng chính, chiếm 55-65% nhu cầu năng lượng mỗi ngày của cơ thể. Do đó chỉ khi tiêu thụ lượng tinh bột dư thừa, lượng đường hấp thu nhanh từ các loại bánh kẹo, nước ngọt, thậm chí là trái cây vượt quá nhu cầu gây thừa cân, béo phì trong thời gian dài mới làm tăng nguy cơ tiểu đường. Nguyên nhân là vì khi cơ thể dung nạp nhiều đường trong thời gian dài sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì kèm theo tình trạng kháng insulin - một loại hormone giúp cân bằng lượng đường trong máu. Việc cơ thể bị kháng insulin, làm giảm khả năng điều chỉnh lượng đường sẽ khiến cơ thể dễ mắc bệnh tiểu đường hơn.

Do đó, để phòng ngừa bệnh tiểu đường, cần có một chế độ ăn cân đối, hợp lý giữa tinh bột, đường, đạm và chất béo.

Cụ thể, cần lựa chọn chất béo tốt, các loại tinh bột phức tạp chỉ số đường huyết thấp, ăn nhiều rau củ, vừa đủ các loại trái cây. Ngoài ra cần có lối sống lành mạnh, siêng vận động, tập thể dục, kiểm soát tốt cân nặng và thường xuyên kiểm tra đường huyết để phát hiện, điều trị kịp thời.

Bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho chuyên mục Bác sĩ 24/7 bằng hình thức nhập bình luận bên dưới bài hoặc gửi qua email: [email protected].

Câu hỏi sẽ được chuyển đến các bác sĩ, chuyên gia... để trả lời cho bạn đọc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.