Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết rau củ là nguồn cung cấp dồi dào các vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa. Bổ sung đa dạng các loại rau trong bữa ăn hằng ngày giúp tăng cường sức đề kháng, tốt cho tiêu hóa, tim mạch, phòng ngừa ung thư.
Rau chân vịt
Rau chân vịt (còn gọi rau bina) chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin A, vitamin K… Đặc biệt, trong rau chân vịt còn chứa hơn 10 hợp chất flavonoid khác nhau, có tác dụng ngăn chặn quá trình lão hóa do các gốc tự do gây ra.
Kết quả từ cuộc khảo sát hơn 15.000 người đàn ông trong khoảng 12 năm cho thấy, những người thường xuyên ăn rau xanh mỗi ngày có thể giảm 25% nguy cơ bị bệnh tim so với những người không ăn rau xanh. Trong đó, rau chân vịt được xem là loại đứng đầu có thể giúp duy trì trái tim ở trạng thái tốt nhất nhờ vào các chất lutein, folate, kali và chất xơ chứa trong loại rau này.
Rau mầm
Rau mầm chia làm hai loại: xanh và trắng, được dùng khá phổ biến trong các món salad hoặc xào, nấu canh. Rau mầm chứa hàm lượng cao các loại vitamin, amino axit và chất xơ cần thiết cho cơ thể. Trong mầm cải củ, hàm lượng vitamin C cao gấp 29 lần trong sữa, vitamin A gấp 4 lần và hàm lượng canxi gấp 10 lần trong khoai tây.
"Ngoài ra, loại mầm này còn có nguồn cung cấp dồi dào cartotene, chlorophyll, đạm dễ tiêu. Các nghiên cứu khoa học còn cho thấy, rau mầm có chứa các chất chống oxy hóa giúp làm chậm quá trình lão hóa và ngăn ngừa các nguy cơ về ung thư", bác sĩ Vũ chia sẻ.
Rau lang
Rau lang là loại rau dân dã, quen thuộc nhưng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Trong rau lang chứa nhiều các chất dinh dưỡng như các loại vitamin B, C, E, beta caroten, biotin và các khoáng chất như magiê, phospho, canxi, kali, mangan, kẽm, đồng… Ngoài ra, các chất chống oxy hóa trong rau lang có tác dụng chống lại các gốc tự do, phòng ngừa các bệnh ung thư.
Các flavonoid trong lá khoai lang cũng được cho là có các dụng hỗ trợ kiểm soát đường huyết tốt ở bệnh nhân đái tháo đường. Ngoài ra, hàm lượng vitamin K và canxi trong rau lang tốt cho xương khớp.
Cải xanh
Thành phần dinh dưỡng trong cải xanh khá cao, đặc biệt là vitamin K. Cải xanh cũng chứa nhiều vitamin A, B, C, D, caroten, anbumin, axit nicotic… Đây là một trong những loại rau mà các nhà dinh dưỡng khuyên dùng thường xuyên để bảo vệ sức khỏe và phòng chống bệnh tật.
Cải xanh có thể kết hợp với nhiều loại thực phẩm như thịt bò, thịt heo, cua, tôm, mực… để chế biến thành nhiều món ăn: nấu canh, lẩu, xào, các món cuốn như bánh xèo cuốn, cuốn diếp…
Rau muống
Các nghiên cứu cho thấy tiêu thụ rau muống có thể giúp giảm cholesterol, tốt cho người bệnh tim mạch, bổ sung sắt hiệu quả cho người thiếu máu... Theo đông y, rau muống có tác dụng giải độc, thông đại tiểu tiện, chữa táo bón… Tuy nhiên những người bị suy nhược nặng, hư hàn, người có vết thương, mụn nhọt nên hạn chế sử dụng...
Cải thìa
Cải thìa chứa nhiều vitamin A, B, và có hàm lượng dồi dào vitamin C. Ngoài ra, cải thìa còn chứa kali, magiê, canxi và nhiều chất chống oxy hóa. Cải thìa giàu dinh dưỡng nhưng lại chứa rất ít calo nên tốt cho chế độ ăn giảm cân. Hàm lượng canxi cao trong cải thìa tốt cho xương khớp, giúp xương chắc khỏe.
Bình luận (0)