Bác sĩ BV Nhi đồng 1 nói gì về một trường hợp 'đổ mồ hôi máu'?

29/08/2018 04:12 GMT+7

Mồ hôi máu là căn bệnh kỳ bí đối với giới y khoa thế giới và Việt Nam, chưa có trong sách vở, y văn.

Có một trường hợp cực hiếm từng được Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiếp nhận, điều trị tại Khoa Sốt xuất huyết và Khoa Tâm lý. Hiện bệnh nhân đã được điều trị ngoại trú.
Riêng đối với trường hợp bé H.T Q.N đang điều trị ở Bệnh viện Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Định), nghi bị chứng mồ hôi máu, phóng viên Báo Thanh Niên đã liên hệ nhiều bác sĩ chuyên khoa liên quan để hỏi thêm thông tin về bệnh lý này. Hầu hết các bác sĩ đều cho biết chưa gặp trường hợp bệnh nhân bị và cũng không thể trả lời về mặt bệnh lý vì bệnh chưa có trong sách vở y khoa. 
Bác sĩ cũng… sốc
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết bệnh viện từng tiếp nhận bệnh nhi mắc phải tình trạng mồ hôi máu (không phải bé H.T. Q.N ở Gia Lai - PV).
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đổ mồ hôi có màu như máu. Bình thường, bé vẫn đổ mồ hôi thông thường, chỉ khi lo lắng, hoảng sợ bé mới đổ mồ hôi máu.
“Khi người nhà đưa bé vô khám, bác sĩ nhìn thấy cũng hoang mang vì chưa bao giờ gặp trường hợp bệnh lý như thế. Ban đầu mình cũng nghi ngờ, không biết có phải bệnh thật hay không. Nhưng qua thăm khám và lấy mồ hôi của bệnh nhân xét nghiệm thì phát hiện có hồng cầu người. Đặc biệt, những vị trí tiết dịch mồ hôi nhiều thì có mật độ hồng cầu nhiều hơn”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Theo bác sĩ Tuấn, trong y văn, các sách vở học thuật không có tài liệu về bệnh lý này. Khi tiếp nhận trường hợp bệnh nhân, qua tra cứu trên mạng, bác sĩ mới thấy báo chí quốc tế cũng đưa một vài trường hợp có triệu chứng mô tả giống vậy.
Chính vì vậy, việc chẩn đoán, điều trị bệnh hiện dựa theo đánh giá của bác sĩ về tình trạng bệnh nhân, chứ không thể biết nguyên nhân, cơ chế bệnh và không thể điều trị khỏi.
Bệnh lành tính nhưng không trị khỏi
Bác sĩ Tuấn nhận định bệnh đổ mồ hôi máu có thể liên quan đến nội tiết, máu, thần kinh và có thể có yếu tố liên quan đến gia đình. Như trường hợp bệnh nhi nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1, nhà có hai chị em đều bị mồ hôi máu.
“Bệnh lành tính, không lây, không ảnh hưởng đến các cơ quan, chức năng khác trong cơ thể”, bác sĩ Tuấn đánh giá.
Trường hợp ra mồ hôi máu nhiều có thể có nguy cơ thiếu máu nhưng theo bác sĩ, nguy cơ này không cao vì lượng hồng cầu thoát ra qua dịch tiết mồ hôi rất ít. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn điều trị phòng ngừa thiếu máu cho bệnh nhân bằng thuốc bổ sung sắt và qua thực phẩm.
Bệnh có thể là bẩm sinh nhưng không bộc phát triệu chứng từ đầu mà đến giai đoạn thay đổi nào đó của cơ thể, tâm sinh lý thì mới biểu hiện triệu chứng.

“Việc lo lắng, hoảng sợ có thể ảnh hưởng đến thay đổi hệ tuần hoàn, nội tiết, làm giãn mao mạch, thành mao mạch yếu khiến hồng cầu thoát ra theo mồ hôi”, bác sĩ Tuấn nhận định.
Hiện tại, bệnh nhân mồ hôi máu chỉ có thể được điều trị về dịch tiết, máu và tâm lý; dùng thuốc giúp tăng sức bền của thành mạch.
Hoang mang là… đổ mồ hôi máu
Bác sĩ Phạm Minh Triết, nguyên Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1, từng điều trị cho bệnh nhân mồ hôi máu, cho biết bệnh nhân có rối loạn lo âu... Bé cũng có loạn nhịp tim, bị ngất mấy lần.
“Càng căng thẳng thì bé càng ra mồ hôi máu nhiều. Hiện tại cơ chế này được nhiều người công nhận”, bác sĩ Triết chia sẻ.
Theo bác sĩ Triết: “Vì bệnh này ít gặp nên cũng không có nhiều thông tin hay kinh nghiệm. Bác sĩ chỉ điều trị thuốc để bé giảm lo âu (nếu lo âu quá mức), dùng thuốc để bé giảm tình trạng chảy máu. Làm việc với gia đình để giảm bớt các vấn đề có thể gây lo lắng cho bệnh nhân, giải thích và nâng đỡ cho người mẹ, điều trị tâm lý cho trẻ”.
Dù là bệnh lành tính nhưng theo các bác sĩ, bệnh đổ mồ hôi máu ảnh hưởng lớn nhất là vấn đề tâm lý, đời sống của bệnh nhân. Bởi lẽ, việc ra mồ hôi máu của bệnh nhân dễ khiến bệnh nhân, gia đình và những người xung quanh, chứng kiến tình trạng này hoảng sợ. Bệnh nhân dễ bị kỳ thị, xa lánh.
Vì vậy, việc điều trị tâm lý giúp nâng đỡ tinh thần bệnh nhân, kiểm soát căng thẳng và cũng giúp gia đình hiểu biết vấn đề để giúp đỡ bệnh nhân. Nhà trường, bạn bè và những người xung quanh cần biết có bệnh lý này để tránh phản ứng không hay, kỳ thị với bệnh nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.