Thạc sĩ, bác sĩ Dương Đức Anh, khoa Ngoại thần kinh - Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, chia sẻ tắm đêm không phải là nguyên nhân trực tiếp nhưng là nguyên nhân gián tiếp làm tăng nguy cơ đột quỵ. Hiện tượng đột quỵ khi tắm đêm có thể xuất phát từ sự chênh lệch nhiệt độ giữa cơ thể và môi trường, hoặc do ảnh hưởng từ các bệnh lý nền…
"Hiện nay đang là thời điểm nắng nóng, mọi người có xu hướng tắm trước khi ngủ và nằm trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp để nhanh làm mát cơ thể. Ngay lúc này nhiệt độ của cơ thể có thể sẽ không thích ứng kịp với nhiệt độ môi trường bên ngoài, khiến mạch máu trong cơ thể co thắt đột ngột, làm cản trở quá trình lưu thông máu đến tim và não bộ, gây ra các thay đổi trong hệ tuần hoàn máu, dẫn đến đột quỵ cấp", bác sĩ Đức Anh chia sẻ.
Ngoài ra, những người có bệnh nền như các bệnh lý về tim mạch, bệnh mạch vành, tiểu đường… thường xuyên tắm đêm sẽ dễ bị đột quỵ hơn người bình thường. Bên cạnh đó, người bệnh huyết áp, tim mạch cũng cần hạn chế tắm vào lúc sáng sớm vì đây cũng là lúc nhiệt độ môi trường xuống thấp trong khi huyết áp cơ thể lại tăng cao.
Bác sĩ Nguyễn Thị Diễm Hương, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, cho biết đột quỵ theo y học cổ truyền được mô tả có nguyên nhân ngoại tà thường gặp là phong tà, khi cơ thể hư suy, vệ khí xâm nhập vào kinh mạch khiến cho kinh mạch bế tắc, khí huyết không thông mà gây bệnh trúng phong. Dựa vào cơ chế gây nên bệnh đột quỵ kể trên, có thể thấy việc tắm quá sớm hoặc khuya đều tiềm ẩn nguy cơ có hại cho sức khỏe.
Các triệu chứng cảnh báo nguy cơ đột quỵ khi tắm đêm
Nếu bị đột quỵ nhẹ, người bệnh sẽ cảm thấy chóng mặt, choáng váng mặt mũi, chân tay tê yếu trong vài giây, khó nói, mất trí nhớ thoáng qua, méo miệng... Tình trạng này có thể diễn biến nhanh và tự hết, tuy nhiên người bệnh nên báo ngay cho người thân để được đi kiểm tra và ổn định huyết áp.
Ngoài ra còn có thể nhận biết đột quỵ khi tắm đêm qua những biểu hiện như đột nhiên thấy mệt mỏi, mất sức lực, tê cứng một nửa mặt, hoa mắt chóng mặt, đi không vững, mất thăng bằng, khó vận động chân tay, khó nâng 2 cánh tay cùng lúc qua khỏi đầu, tê bì một bên người, nhìn đôi hoặc mờ mắt, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu dữ dội.
Các biện pháp giảm nguy cơ đột quỵ
Để bảo vệ sức khỏe, bác sĩ Đức Anh khuyến cáo nên tạo thói quen tắm vào buổi chiều tối (17 giờ đến trước 20 giờ), tránh trường hợp tắm sau 22 giờ để hạn chế tình trạng chênh lệch nhiệt độ đột ngột, dẫn đến đột quỵ khi tắm. Luôn lau khô người, sấy khô tóc sau khi tắm, không để tóc ướt đi ngủ.
Không tắm khi cơ thể quá no hoặc quá đói, không tắm ngay sau khi vừa ăn bữa chính. Không nên dội nước đột ngột từ đỉnh đầu xuống khi tắm (nhất là nước có nhiệt độ lạnh). Thay vào đó hãy làm ướt lần lượt phần chân, tay, sau đó đến phần thân để cơ thể làm quen trước với nhiệt độ của nước, tiếp theo là phần ngực và cuối cùng là vùng đầu.
Thường xuyên tập thể dục thể thao, tắm nắng sáng sớm để quá trình trao đổi chất trong cơ thể được diễn ra tốt hơn.
Khi gặp người có biểu hiện tắm đêm bị đột quỵ, người thân không nên tự ý sơ cứu bằng các biện pháp truyền miệng: cạo gió, bấm huyệt hoặc dùng thuốc huyết áp mà không có chỉ định từ bác sĩ vì sẽ dễ khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
Thay vào đó, cần đưa người bệnh ra nơi khô ráo, ủ ấm và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu kịp thời trong khung giờ vàng.
Bình luận (0)