Ông Đ.Q (55 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM) được đưa đến khoa Cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM lúc 4 giờ sáng trong trạng thái đau ngực dữ dội vùng sau xương ức.
Được cứu sống nhờ "giờ vàng"
Ngày 31.12, ThS-BS Võ Anh Minh, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, ông Q. có những triệu chứng điển hình của cơn đột quỵ tim (nhồi máu cơ tim cấp). Các bác sĩ tiến hành đo điện tâm đồ phát hiện bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, khả năng tắc hoàn toàn động mạch vành phải. Rất may mắn là từ lúc ông khởi phát cơn đau cho đến khi nhập viện chỉ trong vòng 1 giờ - “giờ vàng” trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp nên khả năng được cứu sống, phục hồi mạch máu cao.
Chưa đầy 30 phút kể từ lúc vào cấp cứu, bệnh nhân được đưa lên phòng thông tim can thiệp DSA. Trong vòng 12 phút, các bác sĩ tiến hành chụp mạch vành nhanh, sau đó đặt stent trực tiếp (không qua nong bóng) cho động mạch vành phải. Tổng thời gian cấp cứu, chẩn bệnh và can thiệp mạch vành diễn ra vỏn vẹn trong 42 phút.
Người nhà cho biết, ông Quyết có tiền sử đái tháo đường và rối loạn mỡ máu nhiều năm. Trước khi nhập viện, thỉnh thoảng ông đau vùng thượng vị, đau ngực đột ngột, nhất là lúc ăn hoặc nằm ngủ. Đến rạng sáng thì cơn đau bùng phát.
Các bác sĩ tiến hành nong mạch đặt stent để tái thông mạch máu nuôi tim cho bệnh nhân |
bvcc |
Phòng ngừa đột quỵ tim trong mùa lạnh
PGS-TS-BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, cho biết nhồi máu cơ tim cấp (đột quỵ tim) là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi và hoại tử do mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục huyết khối trong lòng mạch. Đột quỵ tim có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào cũng như vào mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên, mùa lạnh là lúc nguy cơ đột quỵ tim cao hơn cả, đặc biệt ở những người có sẵn yếu tố nguy cơ như suy tim, từng phẫu thuật hay can thiệp tim mạch, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá nhiều năm…
“Khi thời tiết lạnh, các mạch máu co lại khiến áp lực trong lòng mạch máu tăng lên dẫn đến tăng huyết áp, đồng thời thay đổi tình trạng đông máu khiến dễ hình thành cục máu đông hơn gây ra đột quỵ tim. Ngoài ra, việc thiếu hoạt động thể chất do ngại ra ngoài trong tiết trời lạnh cũng góp phần làm tăng nguy cơ này”, BS Phạm Nguyễn Vinh nói.
Để phòng ngừa đột quỵ tim hoặc tái phát bệnh trong mùa lạnh, BS Vinh khuyến cáo, bên cạnh việc dùng thuốc đúng chỉ dẫn và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường rau xanh và trái cây, kiêng rượu, bia, thuốc lá… Vào mùa đông, người cao tuổi, người có bệnh nền tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính (COPD) lưu ý giữ ấm cơ thể để tránh nhiễm lạnh, hoạt động thể chất đều đặn, đúng cách để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp.
Bình luận (0)