Bác sĩ chỉ cách ngâm thảo dược điều trị đau khớp, rối loạn giấc ngủ

19/08/2024 04:14 GMT+7

Ngâm thuốc thảo dược là một phương pháp trị liệu được y học cổ truyền ứng dụng trong điều trị nhiều bệnh lý, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là trong việc giảm đau xương khớp và cải thiện giấc ngủ.

Sau đây, bác sĩ Lê Nhất Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, chia sẻ những lợi ích của việc ngâm thảo dược, cách ngâm chân hiệu quả cũng như những lưu ý cần thiết khi ngâm chân.

Bác sĩ chỉ cách ngâm thảo dược điều trị đau khớp, rối loạn giấc ngủ- Ảnh 1.

Ngâm thảo dược có thể giúp điều trị đau khớp và rối loạn giấc ngủ

Ảnh minh họa: Freepik

Lợi ích của việc ngâm thuốc thảo dược

Giữ ấm cơ thể: Trong những ngày mưa hoặc thời tiết lạnh, ngâm chân với nước ấm và thảo dược giúp giữ ấm cơ thể, ngăn ngừa các bệnh cảm lạnh.

Cải thiện tuần hoàn máu: Nước ấm và các thành phần thảo dược kích thích tuần hoàn máu, giúp cơ thể ấm lên và giảm cảm giác lạnh buốt ở tay chân.

Giảm đau nhức xương khớp: Thời tiết lạnh thường làm tăng cảm giác đau nhức xương khớp. Ngâm chân với các thành phần thảo dược giúp giảm đau, làm mềm cơ và giảm căng cứng khớp.

Thư giãn tinh thần: Ngâm chân với nước ấm và thảo dược không chỉ giúp giảm đau nhức mà còn tạo cảm giác thư giãn, giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ, đặc biệt hữu ích trong những ngày thời tiết không thuận lợi.

Các loại thảo dược có thể sử dụng để ngâm chân

Hoa cúc: Hoa cúc có tác dụng an thần, giúp thư giãn và cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Cách sử dụng: Ngâm hoa cúc khô trong nước ấm khoảng 10-15 phút, sau đó dùng nước này để ngâm chân.

Lá bạc hà: Lá bạc hà có mùi thơm dễ chịu, giúp thư giãn thần kinh và cải thiện giấc ngủ.

Cách sử dụng: Ngâm lá bạc hà tươi hoặc khô trong nước ấm khoảng 10-15 phút, sau đó dùng nước này để ngâm chân.

Gừng: Gừng có tác dụng làm ấm cơ thể, giúp thư giãn và dễ ngủ hơn.

Cách sử dụng: Cắt lát gừng tươi, đun sôi trong nước khoảng 10-15 phút, sau đó dùng nước này để ngâm chân.

Bác sĩ chỉ cách ngâm thảo dược điều trị đau khớp, rối loạn giấc ngủ- Ảnh 2.

Cắt lát gừng tươi, đun sôi trong nước khoảng 10-15 phút, sau đó dùng nước này để ngâm chân

Ảnh: Freepik

Lá lốt: Lá lốt có tác dụng chống viêm, giảm đau, thường được dùng trong các bài thuốc dân gian để trị đau khớp.

Cách sử dụng: Đun sôi lá lốt tươi trong nước khoảng 10-15 phút, sau đó dùng nước này để ngâm chân hoặc các khớp bị đau.

Ngải cứu: Ngải cứu có tác dụng chống viêm, giảm đau, giúp giảm triệu chứng đau nhức khớp.

Cách sử dụng: Đun sôi ngải cứu tươi trong nước khoảng 10-15 phút, sau đó dùng nước này để ngâm chân hoặc các khớp bị đau.

Cây cỏ xước: Cỏ xước có tác dụng giảm đau, chống viêm, thường được dùng trong y học cổ truyền để điều trị các bệnh về xương khớp.

Cách sử dụng: Đun sôi rễ hoặc lá cây cỏ xước trong nước khoảng 10-15 phút, sau đó dùng nước này để ngâm chân hoặc các khớp bị đau.

Hướng dẫn ngâm chân

  • Rửa sạch tay hoặc chân trước khi ngâm.
  • Cho thảo dược vào chậu, thêm khoảng 1 - 1,5 lít nước sôi.
  • Sau 5 phút, cho thêm nước lạnh và kiểm tra nước đạt khoảng 50-60 độ C (hoặc nước ấm nóng bàn tay có thể chịu được) để tránh bị phỏng.
  • Đặt bàn chân lên trên cách bề mặt nước khoảng 5 cm để xông hơi thuốc, giúp giãn nở lỗ chân lông và không bị sốc nhiệt. Sau đó từ từ nhúng chân vào nước thuốc.
  • Mỗi lần ngâm chân hoặc tay từ 10-15 phút, có thể ngâm 1-2 lần mỗi ngày vào buổi sáng hoặc tối trước khi ngủ khoảng 30-60 phút.

Lưu ý khi ngâm chân

  • Không ngâm khi có các vết thương hở, nhiễm trùng da, các bệnh lý tắc động mạch - tĩnh mạch, các bệnh rối loạn thần kinh có chống chỉ định.
  • Người bệnh có tinh thần không tỉnh táo.
  • Không ngâm với nước quá nóng để tránh bị bỏng.
  • Đối với người bệnh được chẩn đoán giãn tĩnh mạch chi dưới, có thể ngâm chân với lượng nước không quá mắt cá chân.
  • Thận trọng đối với trẻ nhỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.