Bác sĩ Phạm Ánh Ngân (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3) chia sẻ, trong nhịp sống hiện đại, việc bảo quản thực phẩm đông lạnh để sử dụng dài ngày khá phổ biến. Tuy nhiên, làm thế nào để quá trình rã đông thực phẩm được an toàn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ được dinh dưỡng là điều cần chú ý.
Thực phẩm tươi khi để ở nhiệt độ phòng dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Trong chế biến có nhắc đến khái niệm "khoảng nguy hiểm" là khoảng nhiệt độ từ 8 - 63 độ C, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Bởi thực phẩm được cấp đông lạnh không diệt trừ được vi khuẩn, nó chỉ giúp ngăn ngừa quá trình phát triển. Vì vậy quá trình rã đông dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi trong khoảng nhiệt độ này.
Rã đông trong ngăn mát tủ lạnh
"Có nhiều cách để rã đông thực phẩm, trong đó cách phổ biến, an toàn thường được sử dụng nhất là rã đông ở ngăn mát tủ lạnh, nhiệt độ dưới 5 độ C. Tuy nhiên, cần lưu ý nên để thực phẩm ở ngăn thấp nhất để tránh nước rơi rỉ lên các thức ăn khác. Một con gà tây khoảng 2,5kg cần ít nhất 24 giờ để rã đông. Vì vậy, khi thực hiện phương pháp này, người dùng cần lên kế hoạch trước để rã đông thực phẩm. Bởi quá trình rã đông mất nhiều thời gian, nếu cần gấp để nấu ăn sẽ không kịp", bác sĩ Ngân chia sẻ.
Rã đông bằng lò vi sóng
Trong trường hợp cần rã đông gấp, lò vi sóng là lựa chọn hữu ích để có thể nấu ngay sau khi rã đông. Tuy nhiên, trước khi đưa vào lò, cần phải tháo các bao bì đóng gói không an toàn khi dùng trong lò vi sóng như khay bằng nhựa polystyrene, nhựa bọc thực phẩm hoặc hộp giấy....
Để tránh lây nhiễm, cần đặt thực phẩm trong hộp đựng an toàn với lò vi sóng. Muốn tránh rỉ nước trong quá trình rã đông, nên sử dụng hộp có nắp đậy và có lỗ thoát hơi. Khi rã đông trong lò vi sóng, nhiệt sẽ khó xuyên qua toàn bộ khối thực phẩm, vì vậy cần xoay trở khối thực phẩm giữa những lần rã đông để đảm bảo quá trình rã đông toàn bộ. Chỉ nên đưa thực phẩm đi chế biến khi đã rã đông hoàn toàn, để quá trình ướp và nấu được nguyên vị.
Tuy nhiên, cần lưu ý phương pháp rã đông bằng lò vi sóng chỉ phù hợp khi bạn chế biến ngay sau khi rã đông, vì nếu để lâu sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi.
Rã đông bằng cách ngâm nước lạnh
Một trong những cách rã đông khác cũng khá phổ biến là sử dụng nước lạnh, tuy nhiên phương pháp này dễ khiến thực phẩm ở trong khoảng nhiệt độ nguy hiểm, có lợi cho vi khuẩn phát triển.
"Khi dùng cách này, người nội trợ cần sử dụng thau, bồn rửa sạch để toàn bộ khối thực phẩm ngập trong nước. Thực phẩm cần được bọc trong bao bì không thấm nước, không rò rỉ để tránh lây nhiễm. Quá trình rã đông chỉ nên diễn ra khoảng trong 2 tiếng hoặc ít hơn để tránh thực phẩm ở nhiệt độ nguy hiểm (8 - 63 độ C)", bác sĩ Ngân nhấn mạnh.
Thậm chí khi thực phẩm được gói trong bao bì không thấm nước, vẫn có vi khuẩn bám trên bề mặt của chậu rửa, vì vậy cần vệ sinh chậu sau khi đã rã đông. Thực phẩm sau rã đông nên được nấu chín trong vòng 24 giờ đầu, nếu chưa thể nấu ngay, nên bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh.
Đối với những món ăn đã chế biến, cần cấp đông để dùng dần thì nên chia nhỏ khối lượng thực phẩm thành từng phần vừa đủ cho một bữa ăn, tốt nhất là trữ trong hộp thủy tinh, khi ăn thì rã đông phần đó trong lò vi sóng. Ngoài ra, cũng nên chú ý khu vực cấp đông thực phẩm đã chế biến nên tách biệt với thực phẩm sống, tránh lây nhiễm chéo.
Bình luận (0)