Các bệnh lý gây khó tiêu thụ rau củ, trái cây
Anh N.A.P (28 tuổi, ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) không ăn được trái cây và hầu hết các loại rau từ nhỏ. Khi được hỏi về nguyên nhân của tình trạng này, anh P. cho hay: “Mỗi lần ngửi hay bị ép ăn các loại trái cây tôi đều cảm thấy buồn nôn”.
Tương tự anh P., chị N.N.N.H (21 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) cũng gặp vấn đề với mùi của rau củ quả: “Nói ra sợ mọi người không tin nhưng khi ăn rau, mình có cảm giác như đang… nhai cỏ! Ngoại trừ xà lách, diếp cá và hẹ ra, tất cả các loại rau khác mình đều không ăn được”.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Lê Luy Na, Phó trưởng khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) cho biết, có một số tình trạng y khoa có thể gây khó khăn hoặc không thể tiêu thụ trái cây, rau củ, bao gồm:
Dị ứng thực phẩm: Khi sinh ra, có người bị dị ứng với chính các protein trong trái cây và rau củ. Khi đó, hệ miễn dịch nhầm lẫn protein trong thực phẩm với tác nhân gây hại và kích hoạt phản ứng dị ứng, gây ra phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch đối với một hoặc nhiều protein trong thực phẩm, bao gồm rau củ quả.
Người bị dị ứng có thể gặp khó khăn hoặc thậm chí không thể ăn một số loại rau củ quả. Bên cạnh đó, một số trường hợp do phản ứng dị ứng làm tổn thương đường ruột, dẫn đến triệu chứng tương tự như không dung nạp thực phẩm. Ví dụ, Người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) có thể gặp các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy hoặc đầy hơi khi tiêu thụ rau củ quả giàu carbohydrate, đặc biệt là các loại chứa carbohydrate khó tiêu thụ như hành, tỏi, súp lơ và một số thực phẩm khác.
Rối loạn tiêu hóa bẩm sinh: Chẳng hạn, bệnh giãn đại tràng bẩm sinh (Hirschsprung) đòi hỏi chế độ ăn ưu tiên các thực phẩm ít chất xơ, dễ tiêu hóa, giàu năng lượng để hỗ trợ chức năng tiêu hóa.
“Ở rối loạn này, một phần ruột thiếu các tế bào thần kinh chịu trách nhiệm điều hòa nhu động ruột. Điều này dẫn đến tình trạng ruột không thể co bóp bình thường, gây táo bón nghiêm trọng, tắc ruột hoặc viêm ruột. Rau củ và trái cây thường chứa nhiều chất xơ không hòa tan, loại chất này có thể làm phân trở nên cứng và khó di chuyển trong ruột. Ở bệnh nhân Hirschsprung, ruột không thể đẩy phân ra ngoài hiệu quả, dẫn đến nguy cơ tắc ruột cao hơn. Hơn nữa, các thực phẩm nhiều chất xơ hoặc kết cấu xơ cứng (như bắp cải, cà rốt sống, táo) có thể làm gia tăng khối lượng phân và gây tắc nghẽn trong đoạn ruột bị ảnh hưởng. Điều này có thể gây đau bụng, đầy hơi, hoặc làm bệnh nhân phải nhập viện để điều trị”, bác sĩ Luy Na giải thích.
Thiếu nhóm chất nhỏ nhưng… tác hại lớn!
Nếu cơ thể không được cung cấp các nguồn dinh dưỡng như chất xơ và vitamin từ trái cây và rau củ, sẽ có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, từ ngắn hạn đến lâu dài. Một số tác động chính có thể kể đến như:
Tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính: Tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng và ung thư dạ dày, tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, lão hóa sớm, trầm cảm, lo âu…
Thiếu chất xơ: Chất xơ từ trái cây và rau củ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe hệ tiêu hóa và phòng ngừa bệnh tật. Việc thiếu chất xơ có thể gây: táo bón, trĩ, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tăng nguy cơ bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng cân, béo phì…
Thiếu vitamin: Trái cây và rau củ là nguồn cung cấp chính các loại vitamin cần thiết. Thiếu hụt vitamin có thể gây ra những tình trạng như suy giảm miễn dịch, bệnh Scorbut do thiếu vitamin C; quáng gà, khô da và tóc do thiếu vitamin A; rối loạn đông máu do thiếu vitamin K; mệt mỏi, suy giảm chức năng nhận thức do thiếu vitamin B…
Nguồn dinh dưỡng nào có thể thay thế?
Đối với những người không ăn được (hoặc chỉ ăn được rất ít) trái cây và rau củ, có thể bù đắp chất xơ và vitamin bằng cách lựa chọn các thực phẩm:
Ngũ cốc nguyên hạt (yến mạch, gạo lứt, hạt kê, bánh mì nguyên cám…), các loại đậu, hạt…
Thực phẩm thay thế cung cấp vitamin: Gan động vật (như gan gà, gan bò), lòng đỏ trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa bổ sung vitamin A, vitamin D; ớt chuông đỏ, khoai tây, dâu tằm, nước ép cam hoặc nước ép bổ sung vitamin C; các loại cá béo (cá hồi, cá thu, cá trích…); dầu thực vật (như dầu ô liu, dầu hướng dương), hạt hạnh nhân, hạt hướng dương chứa nhiều vitamin E…
Sử dụng thực phẩm bổ sung: Vitamin tổng hợp cung cấp nhiều loại vitamin quan trọng, chất xơ bổ sung giúp hỗ trợ tiêu hóa…
Bác sĩ Luy Na cũng nhấn mạnh rằng rất khó để tìm được nguồn thực phẩm thay thế hoàn toàn trái cây và rau củ, bởi chúng cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng cùng các chất chống oxy hóa cần thiết cho cơ thể. Do đó, cần tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn phù hợp, đủ năng lượng và dưỡng chất.
Bình luận (0)