Theo thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Kiều Xuân Thy, Phó trưởng cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tình trạng mất ngủ là kết quả của nhiều yếu tố liên quan đến sức khỏe sinh lý và tâm lý. Ở những người cao tuổi và trung niên, sự sản xuất hormone melatonin - giúp điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ - bắt đầu giảm đi. Đồng thời, ở độ tuổi này cơ thể không còn cần nhiều thời gian để hồi phục như khi còn trẻ hoặc do thói quen trong sinh hoạt, nên thời lượng giấc ngủ cũng giảm dần.
Dưới góc độ y học cổ truyền, chức năng của các tạng như can và thận bắt đầu suy kém khi con người già đi. Can có chức năng điều hòa huyết, trong khi thận đóng vai trò chủ đạo trong quá trình sinh lý và duy trì tinh lực. Khi 2 chức năng của 2 tạng phủ này không còn ổn định như trước, cân bằng âm dương trong cơ thể bị rối loạn, từ đó ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Ngoài ra, những yếu tố như căng thẳng từ công việc, gia đình và những vấn đề về sức khỏe cũng là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Mất ngủ gây các bệnh lý nguy hiểm ở người lớn tuổi
Mặc dù tình trạng mất ngủ thường xảy ra ở nhiều nhóm tuổi, thế nhưng từ trung niên trở đi, khả năng gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng là cao hơn hẳn so với ở người trẻ.
Nói về điều này, bác sĩ Kiều Xuân Thy cho biết thêm, ngủ không đủ giấc có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp, thậm chí là nhồi máu cơ tim. Thêm nữa, việc thiếu cân bằng trong giấc ngủ sẽ làm rối loạn quá trình trao đổi, chuyển hóa các chất, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Mất ngủ kéo dài còn có thể gây mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, đột quỵ và giảm khả năng miễn dịch.
Đối với đối tượng là người lớn tuổi, giấc ngủ kém chất lượng càng làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ, rối loạn nhận thức, gây ra các vấn đề về tâm lý như trầm cảm, lo âu và có thể thúc đẩy quá trình phát triển bệnh Alzheimer. Một hậu quả nguy hiểm khác cần chú ý đó là làm tăng nguy cơ té ngã vì phản xạ chậm chạp, có thể gây ra tình trạng nứt hoặc gãy xương ở người cao tuổi.
Nên làm gì để có giấc ngủ chất lượng?
Để bảo vệ giấc ngủ nói riêng và sức khỏe thể chất lẫn tinh thần nói chung, bác sĩ Kiều Xuân Thy đã khuyến khích những việc làm, thói quen mà mọi người, đặc biệt là trung niên và người cao tuổi, nên thực hiện.
Tránh thức khuya, làm việc quá sức: Bắt đầu giấc ngủ quá trễ hoặc lao lực vì công việc sẽ làm tổn hao tinh lực, gây rối loạn đồng hồ sinh học và ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Giữ không gian ngủ yên tĩnh và thoáng mát: Một không gian ngủ thoải mái, không có ánh sáng mạnh hay tiếng ồn sẽ giúp cơ thể dễ dàng thư giãn và ngủ ngon hơn.
Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng: Dưỡng sinh, khí công hoặc thái cực quyền giúp lưu thông khí huyết, cân bằng cơ thể, từ đó giúp giấc ngủ được sâu và ổn định.
Hạn chế tiếp xúc với màn hình điện tử trước khi ngủ: Ánh sáng xanh từ các thiết bị như điện thoại, máy tính có thể làm giảm việc sản xuất melatonin của cơ thể, gây ra tình trạng khó ngủ.
Thiết lập thói quen ngủ đều đặn: Cố gắng đi ngủ và thức dậy vào cùng một khung giờ mỗi ngày giúp điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể, dần dần xây dựng giấc ngủ chất lượng hơn.
Mất ngủ có sự khác biệt giữa nam và nữ
Tình trạng mất ngủ cũng có sự khác biệt về nguyên nhân và biểu hiện giữa 2 giới nam và nữ. Bác sĩ Kiều Xuân Thy, Phó trưởng cơ sở 3 , Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết ở nam giới, khi bước vào tuổi trung niên, sự suy yếu của chức năng tạng thận và các vấn đề tâm lý thường dẫn đến mất ngủ, giấc ngủ ngắn hoặc không sâu. Sự suy giảm hormone testosterone cũng có thể ảnh hưởng đến sự điều hòa của hệ thần kinh, khiến nam giới khó ngủ hơn.
Trong khi đó ở nữ giới, đặc biệt là sau khi trải qua giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh, thường gặp vấn đề về giấc ngủ do sự rối loạn hoặc suy giảm estrogen và progesterone. Sự mất cân bằng hormone này gây ra các triệu chứng như nóng trong người, đổ mồ hôi đêm, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, khiến họ khó đi vào giấc ngủ hoặc thức dậy nhiều lần trong đêm.
Bình luận (0)