Bác sĩ chia sẻ 4 'chìa khóa' giúp người bệnh đột quỵ ngừa tái phát

23/02/2024 11:29 GMT+7

Sau điều trị đột quỵ người bệnh cần tuân thủ tốt hướng dẫn điều trị, duy trì lối sống lành mạnh và ăn uống khoa học để tránh nguy cơ tái phát bệnh.

Ngày 23.2, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng Trung tâm khoa học thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết tỷ lệ tái phát đột quỵ là 4-5% trong vòng 3 tháng đầu và 10-12% đối với một số trường hợp. Do đó việc tuân thủ điều trị và điều chỉnh lối sống, ăn uống, tập luyện hồi phục chức năng đóng vai trò quan trọng ngăn ngừa tái phát đột quỵ.

Tuân thủ điều trị trong giai đoạn phục hồi chức năng

Bác sĩ Thắng cho biết, tùy theo tình trạng đột quỵ của bệnh nhân có rung nhĩ, xơ vữa động mạch hay các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường..., mà bác sĩ sẽ kê thuốc uống phù hợp. Người bệnh cần uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng giảm liều hoặc dùng thêm loại thuốc khác.

Bên cạnh đó, người bệnh sẽ được phục hồi chức năng thông qua các vận động trị liệu như vận động tay, chân và những bộ phận bị mất cảm giác vận động; âm ngữ trị liệu đối với bệnh nhân phục hồi rối loạn ngôn ngữ và chức năng nuốt; hoạt động trị liệu giúp người bệnh có thể tự ăn uống, sinh hoạt và chăm sóc bản thân, hòa nhập cộng đồng.

Bác sĩ chia sẻ 4 'chìa khóa' giúp người bệnh đột quỵ ngừa tái phát- Ảnh 1.

Bác sĩ Thắng kiểm tra khả năng vận động của người bệnh

M.T

Duy trì tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn

Sau khi hồi phục, người bệnh nên duy trì tập luyện, vận động nhẹ nhàng vừa phải như đi bộ, chạy bộ, yoga... Tùy theo mức độ sức khỏe, thời lượng tập luyện có thể ở mức khoảng 30 phút mỗi ngày, duy trì 5 ngày mỗi tuần.

"Việc tập luyện chú ý chọn các môn cường độ nhẹ nhưng thời gian dài như đi bộ, chạy bộ, yoga, đạp xe..., thay vì tập nặng gắng sức trong thời gian ngắn như nâng đẩy tạ, tập gym cường độ mạnh...", bác sĩ Thắng lưu ý.

Giảm chất béo xấu trong chế độ ăn, tăng cường rau xanh

Bác sĩ Thắng cho biết, cholesterol vốn là thành phần thiết yếu trong cơ thể, nhưng tình trạng thừa cholesterol sẽ gây ra hiện tượng tích tụ, tạo ra các mảng xơ vữa, khiến mạch máu hẹp lại và cuối cùng dẫn đến tắc nghẽn từ đó gây thiếu máu não, dẫn đến đột quỵ. Các nghiên cứu thực tiễn đã cho thấy, 25% các ca đột quỵ liên quan trực tiếp đến tình trạng thừa cholesterol theo cơ chế này.

Bên cạnh đó, thừa cholesterol cũng gián tiếp liên quan tới 50% các ca đột quỵ đối với các trường hợp tăng huyết áp, thoái hóa những mạch máu nhỏ. Các nghiên cứu cho thấy có 75% các ca đột quỵ có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thừa cholesterol. Tình trạng thừa cholesterol gia tăng, đồng nghĩa với việc nguy cơ đột quỵ theo đó cũng tăng.

Bác sĩ chia sẻ 4 'chìa khóa' giúp người bệnh đột quỵ ngừa tái phát- Ảnh 2.

Người bệnh cần tăng cường rau xanh trong chế độ ăn hằng ngày

LÊ CẦM

Ngoài nguyên nhân xuất phát từ yếu tố không thay đổi được (di truyền, tuổi tác, giới tính, bệnh lý nền) thì người bệnh nên chú trọng trong thay đổi chế độ dinh dưỡng, lối sống và vận động.

"Trong khẩu phần ăn nên giảm chất béo xấu (chất béo bão hòa) như thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp, các loại mỡ, bơ... ưu tiên thịt trắng, hạn chế thịt đỏ, tăng cường nhiều rau củ quả. Với người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường nên giảm muối, giảm đường...", bác sĩ Thắng chia sẻ.

Ngoài ra, người bệnh nên hạn chế tối đa việc tiêu thụ rượu bia.

Giữ tâm lý ổn định

Bác sĩ Thắng cho biết, trong quá trình phục hồi chức năng, người bệnh sẽ dễ gặp phải tình trạng rối loạn tâm lý và cảm xúc, người chăm sóc cần hiểu và thông cảm, an ủi và hỗ trợ người bệnh tận tình trong tập luyện, vận động. Điều này sẽ giúp phục hồi chức năng vận động và ổn định tâm lý cho người bệnh.

"Bản thân người bệnh cũng cần có ý chí, quyết tâm, tinh thần lạc quan, tích cực tập luyện, vận động thì cơ hội hồi phục sẽ càng nhiều hơn, giảm nguy cơ tái phát", bác sĩ Thắng chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.