Bác sĩ chia sẻ các biến chứng thường gặp sau đột quỵ

06/09/2023 04:12 GMT+7

Sau đột quỵ, người bệnh thường rơi vào tình trạng yếu liệt. Một số phương pháp hỗ trợ như trị liệu, kích thích thần kinh bằng xung điện qua da, điện châm, nhĩ châm... sẽ giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Bình Minh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, cho biết đột quỵ là nguyên nhân gây ra khuyết tật thường gặp nhất ở người lớn. Khiếm khuyết thần kinh sau đột quỵ thường gặp nhất liên quan đến vận động là người bệnh bị yếu liệt một nửa bên người, chiếm tỷ lệ 51,9%.

Có 2 nguyên nhân chính gây đột quỵ là nhồi máu não và xuất huyết não. Nhồi máu não chiếm tỷ lệ khoảng 85,1%; xuất huyết não gồm xuất huyết trong não (8,3%) và xuất huyết khoang dưới nhện (5,4%); còn lại 1,2% không rõ nguyên nhân.

Bác sĩ chia sẻ các biến chứng thường gặp sau đột quỵ - Ảnh 1.

Bệnh nhi bị đột quỵ cấp, nhồi máu não điều trị tại bệnh viện

Trần Thanh Phong

Các vấn đề về thể chất

Theo bác sĩ Minh, người bệnh sau đột quỵ bị suy giảm khả năng hoạt động của chi trên dẫn đến không thể hoặc khó thực hiện các hoạt động trong sinh hoạt hằng ngày, như khó đi lại, mất thăng bằng... Vì vậy người bệnh có nguy cơ té ngã cao, với tỷ lệ khoảng 50-70%.

"Co cứng sau đột quỵ là một biến chứng phổ biến, nếu người bệnh không được tập luyện thì càng thúc đẩy tiến trình co cứng. Đau cũng thường gặp ở người bệnh đột quỵ và có thể cản trở không chỉ việc phục hồi yếu liệt mà còn cả hoạt động hằng ngày", bác sĩ Minh cho hay.

Ngoài ra, người bệnh sau đột quỵ có thể gặp phải nhiều vấn đề khác như: Tê bì tay chân, nói khó, khó nuốt, rối loạn tiểu tiện, loét da, trầm cảm… Vì những vấn đề trên mà người bệnh giảm khả năng quay lại với nghề nghiệp của mình.

Bác sĩ chia sẻ các biến chứng thường gặp sau đột quỵ - Ảnh 2.

Bệnh nhân tập vật lý trị liệu

Lan Chi

Ảnh hưởng tinh thần, tâm lý

Bác sĩ CKII. Phạm Thị Ngọc Quyên, khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết sau đột quỵ, người bệnh không chỉ đối mặt với những vấn đề về thể chất mà còn có những thay đổi về sức khỏe tinh thần. Sự thay đổi này có thể dẫn đến những hành vi ứng xử tiêu cực, thậm chí có thể làm tăng nguy cơ tái phát đột quỵ.

"Có khoảng 25% người bệnh đột quỵ và thiếu máu não thoáng qua bị rối loạn lo âu trong 5 năm đầu sau khi bệnh khởi phát. Tỷ lệ mắc rối loạn cảm xúc tăng cao ở những người bệnh tái phát đột quỵ nhiều lần", bác sĩ Quyên chia sẻ.

Ngoài ra, theo thống kê, có khoảng 30% người bệnh đột quỵ còn sống phải trải qua giai đoạn trầm cảm trong năm đầu sau khởi bệnh và hơn 50% trong số này không được chẩn đoán hay điều trị. Sau đột quỵ, người bệnh có thể có những sự thay đổi về tính tình như dễ bực bội hơn, thiếu kiên nhẫn, tự ti, mặc cảm và sống nội tâm hơn.

Chăm sóc để người bệnh phục hồi sau đột quỵ

Theo bác sĩ Quyên, sau khi trải qua cơn đột quỵ, người bệnh đối diện với những di chứng về vận động khiến cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng đáng kể. Vì vậy cần xây dựng và duy trì một đời sống năng động, tạo điều kiện để người bệnh tham gia các hội nhóm, gặp gỡ những người xung quanh là cách giúp người bệnh lấy lại niềm vui và động lực sống

Tất cả người bệnh sau đột quỵ nên bắt đầu điều trị phục hồi chức năng ngay khi sinh hiệu ổn định. Trên cơ sở sinh lý bệnh, 3 tuần đầu sau đột quỵ được coi là giai đoạn đặc biệt quan trọng giúp phục hồi não. Người bệnh đột quỵ phải được lập kế hoạch điều trị cá nhân, với cường độ và thời gian trị liệu phù hợp. Nên thúc đẩy việc thực hành lặp đi lặp lại và đưa ra các nhiệm vụ mới, các kỹ năng nên liên quan đến thói quen hàng ngày của người bệnh.

Một số phương pháp tập luyện giúp phục hồi chức năng vận động như: 

Kích thích thần kinh bằng xung điện qua da: Phương pháp này có tác dụng giảm đau, giảm co cứng, cải thiện khả năng vận động. Ngoài ra, hiện nay có một số nhóm thuốc có thể sử dụng giúp hỗ trợ phục hồi thần kinh cho người bệnh sau đột quỵ như thuốc tăng cường phục hồi có liên quan đến tính dẻo và tăng trưởng thần kinh sau đột quỵ.

Hoạt động trị liệu: Đây là một hình thức tập luyện theo một động tác có nhiệm vụ cụ thể và lặp đi lặp lại.

Các phương pháp hỗ trợ người bệnh yếu liệt hồi phục sau đột quỵ - Ảnh 1.

Nhĩ châm là phương pháp phục hồi yếu liệt thông qua cơ chế kích thích dây thần kinh X

N.H

Bên cạnh y học hiện đại, y học cổ truyền cũng có một số phương pháp được chứng minh giúp hỗ trợ người bệnh như: 

- Hào châm: Ưu điểm của hào châm là sử dụng kim có đường kính nhỏ, ít gây đau, an toàn và hầu như không ghi nhận tác dụng phụ.

- Điện châm: Điện châm có hiệu quả kích thích cơ yếu liệt. Ưu điểm là có thể thiết lập kích thích tần suất và cường độ cũng như thời gian một cách chính xác và định lượng được.

- Nhĩ châm: Là phương pháp được chứng minh có tác dụng phục hồi yếu liệt thông qua cơ chế kích thích dây thần kinh X.

- Laser châm: Ưu điểm của laser châm là không sử dụng kim, vì vậy thích hợp sử dụng trên người bệnh đái tháo đường, người sợ kim.

- Mãng châm: Là kỹ thuật sử dụng loại kim to và dài, khi châm thì sẽ châm xuyên từ huyệt này đến huyệt khác. Mãng châm được chứng minh là có hiệu quả phục hồi yếu liệt vượt trội.

- Đầu châm: Là kỹ thuật châm kim trên da đầu, được chứng minh có tác dụng kích thích vùng vỏ não tương ứng, vì vậy có hiệu quả tốt trong phục hồi yếu liệt.

- Cấy chỉ có tác dụng phục hồi yếu liệt sau đột quỵ tương tự như hào châm. Hơn nữa, cấy chỉ có ưu điểm là người bệnh không cần châm kim mỗi ngày, vì chỉ tự tiêu đã được đưa vào huyệt nên sẽ có tác dụng kích thích lâu dài.

Ngoài ra, một số bài thuốc trong y học cổ truyền cũng có tác dụng hạ huyết áp, điều chỉnh rối loạn lipid máu, tăng cường lưu thông máu, rất có lợi cho người bệnh sau đột quỵ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.