Bác sĩ chia sẻ những lá cây có độc dễ gây nhầm lẫn với lá hẹ

05/12/2024 04:02 GMT+7

Lá hoa phong huệ, thủy tiên... gần giống với lá hẹ, nếu sử dụng nhầm có thể gây ngộ độc, ở mức độ nhẹ có thể gây đau bụng, nôn ói, mức độ nặng có thể gây tê liệt thần kinh, thậm chí tử vong.

Tiến sĩ - dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng phụ trách Bộ môn Dược học cổ truyền - Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết lá hoa thủy tiên chứa alkaloid thường có tác dụng ức chế acetylcholinesterase, dẫn đến ngộ độc. Các triệu chứng ngộ độc có thể diễn tiến theo nhiều mức độ từ đau bụng, nôn ói, tiết nước bọt đến lú lẫn, tê liệt thần kinh, thậm chí có thể gây tử vong.

Hầu hết hoa thủy tiên là cây lâu năm, lá mọc từ củ vào mùa xuân, lá dẹt, cây có chiều cao 20 cm -1,6 m tùy theo loài. Hoa có hình loa kèn màu vàng, trắng, hồng có sáu cánh trung tâm là nhụy hoa. Hoa thủy tiên có củ như hành tây, lá giống lá tỏi nhưng mảnh hơn.

Tất cả các bộ phận của cây hoa thủy tiên đều có độc, nhất là củ. Trong thành phần của cây chứa chất lycorine là một alkaloid, gây ức chế enzym cholinesterase, gây ra các triệu chứng như nôn, buồn nôn, đổ mồ hôi, nhịp tim chậm. Nếu vô tình ăn phải hoa thủy tiên với số lượng lớn có thể gây co giật, ức chế tuần hoàn, hô hấp và hôn mê. Bên cạnh đó, củ của hoa thủy tiên chứa thành phần oxalat nếu nuốt phải có thể gây bỏng và kích ứng niêm mạc môi lưỡi, họng.

Bác sĩ chia sẻ những lá cây có độc dễ gây nhầm lẫn với lá hẹ- Ảnh 1.

Hình ảnh lá cây hoa thủy tiên và cây hẹ

ẢNH: BV NHI TRUNG ƯƠNG

Ngoài ra, phong huệ là loại cây có thân hình thành củ, lá mỏng và mọng nước, giòn dễ gãy, cây mọc thành từng bụi, hoa có màu trắng, hồng, vàng, mỗi hoa có 6 đến 8 cánh.

"Phong huệ cũng gây ngộ độc tương tự hoa thủy tiên. Tuy nhiên so với lá của cây hẹ, lá của hoa thủy tiên có phần to hơn, trong khi đó phong huệ có lá nhỏ gần giống với lá hẹ. Do đó phụ huynh cần chú ý tránh gây nhầm lẫn dẫn đến ngộ độc đáng tiếc", tiến sĩ Triết chia sẻ.

Những loại cây cảnh có độc nên thận trọng

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, cho biết việc trồng cây cảnh quanh nhà giúp làm đẹp, thanh lọc không khí và thư giãn tuy nhiên cũng cần lưu ý để nhận biết một số loại cây có độc. Nếu gia đình có trẻ nhỏ thì không nên trồng những cây này.

Trong trường hợp yêu thích và muốn chăm sóc những cây cảnh có độc trong nhà thì cần có biện pháp để bảo vệ. Ví dụ khi cắt tỉa các loại cây cảnh, cần sử dụng dụng cụ riêng, bởi nếu quên rửa hoặc rửa không sạch, sau đó dùng làm bếp thì vô tình đưa chất độc vào người. Sử dụng phương tiện bảo hộ khi làm vườn như đeo găng tay, đeo kính bảo vệ mắt, kính phòng hộ bảo vệ khuôn mặt, mang ủng.

phong huệ

Cây phong huệ có lá gần giống với lá hẹ, có thể gây ngộ độc nếu nhầm lẫn

ẢNH: LÊ CẦM

Một số loại cây cảnh quen thuộc có độc cần chú ý như kim tiền, ngô đồng, vạn niên thanh, hồng môn, xương rồng bát tiên, xương rồng ba cạnh, hoa loa kèn, trúc đào, hoa ly lửa,

Ví dụ như trong thân và lá cây kim tiền có chứa canxi oxalat, gây nóng rát, bỏng lưỡi, cổ họng nếu ăn phải. Nặng hơn sẽ gây sưng viêm, ngạt thở và xuất huyết dạ dày. Nhựa cây dính lên mắt cũng ảnh hưởng xấu đến thị lực.

Hay như ngô đồng có chứa chất curcin trong thân, củ, lá và đặc biệt là hạt. Chất này có thể gây bỏng rát ở họng, đau bụng, ói, tiêu chảy. Khi đã bị ngộ độc nặng sẽ xuất huyết tiêu hóa, rối loạn tim mạch, ức chế hệ thần kinh trung ương.

Đối với cây trúc đào cần lưu ý không trồng ở cạnh nguồn nước như giếng, ao, bể nước; không buộc hoặc thả gia súc dưới gốc cây trúc đào; không để trẻ nhỏ nhặt chơi hoa trúc đào vì trẻ dễ cho hoa vào miệng; không dùng lá trúc đào chữa bệnh ngoài da dưới bất kỳ hình thức nào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.