Qua bàn tay nghệ nhân, sách có đời sống khác, tươm tất, giá trị |
QUỲNH TRÂN |
Nghề chơi cũng lắm công phu
Trong khuôn viên Đường sách TP.HCM, hiện có một điểm gặp gỡ rất được yêu thích của những người yêu sách xưa, đó là cơ sở chuyên sửa chữa, phục chế và đóng sách nghệ thuật có tên Con Mèo Nhỏ. Anh Cao Văn Hân, người sáng lập Con Mèo Nhỏ, tâm sự: “Với nhiều người, một cuốn sách không chỉ là ấn phẩm đơn thuần cho việc học hỏi, giải trí mà đôi khi đó chính là kỷ vật gia truyền, chứa đựng những giá trị tinh thần vô giá mà không có gì sánh được”.
Từ khi hiểu được điều đó, nhà sưu tập sách Cao Văn Hân rẽ ngang sang chuyên tâm mảng sửa chữa và đóng sách nghệ thuật. “Nhìn những cuốn sách lâu năm trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử và dòng thời gian, rơi vào tình trạng hư hỏng, rách nát..., tôi đau lòng lắm. Vì vậy mà sau khi được phục chế, tác phẩm quý ấy như được tiếp thêm sinh lực nhờ vào bàn tay tinh tế, khéo léo, cùng sự nhẫn nại và tập trung tuyệt đối của những người “bác sĩ” sách lành nghề, tâm huyết. Các cuốn sách cũ được khoác lên mình chiếc áo mới sang trọng, hay thêm thắt các chi tiết mạ vàng độc đáo trên bìa càng tăng thêm phần giá trị, dễ bảo quản lâu dài và có một cuộc đời mới tươi sáng lên”, anh Cao Văn Hân chia sẻ.
Chủ nhân Hán Nôm Đường (305/71 Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM), “địa chỉ đỏ” ngành phục chế sách tại TP.HCM, là nghệ nhân Bùi Tiến Phúc. Tốt nghiệp cử nhân Hán Nôm (Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) năm 2013, anh về làm ở Trung tâm Hán Nôm Huệ - Quang trước khi sang Đài Loan du học chuyên ngành bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Tại đây, anh thực tập cật lực tại Bệnh viện Sách Đài Loan, làm việc tại Phòng Bồi biểu thư họa và tu bổ hiện vật chất liệu giấy Duệ Nhã Hiên TP.Tân Bắc, rồi trợ giảng tại các lớp bảo quản - tu bổ hiện vật chất liệu giấy tại Lim Lian Geok Memorio (Malaysia)… nên có nhiều trải nghiệm thực tế. Về nước, anh Phúc thành lập Hán Nôm Đường và say sưa làm nghề, nhờ đó các loại tư liệu Hán Nôm, sách cổ được vợ chồng anh nâng niu, khoác áo mới.
Sách trước khi phục chế thường cũ, nát |
Nghệ nhân Bùi Tiến Phúc cho biết: “Việc phục chế sách cũ phải tuân thủ theo những nguyên tắc khoa học mới mang đến hiệu quả lâu dài. Với những thư tịch có tuổi đời hàng trăm năm, người chữa sách giỏi phải có am hiểu sâu sắc. Trước tiên, phải khám bệnh, “giải phẫu” cuốn sách đó. Ở mỗi công đoạn phải hết sức tỉ mỉ, quan sát nhận diện được loại giấy, kỹ thuật in và lối đóng. Tiếp đó là hàng loạt các kỹ thuật công phu. “Bác sĩ” sách cần ghi chép chi tiết hiện trạng, đánh số trang, rồi tiến hành làm vệ sinh, yêu cầu cứu chữa với những chất liệu chuyên biệt. Kế đó là kiểm tra độ pH và thử a xít cho giấy. Một công đoạn cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ không kém, đó là nấu hồ, tu bổ cục bộ (vá rách, bổ khuyết) và bồi nền”.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thành công, theo “bác sĩ” Bùi Tiến Phúc: “Có những cuốn sách khi đến tay tôi đã bị
a xít nghiêm trọng. Giấy giòn tan, đụng tay vào là vỡ ra từng miếng mà chúng tôi gọi là “ung thư giai đoạn cuối”, rất khó cứu chữa. Một số tác phẩm cũ từng trải qua phục chế không đúng cách, hoặc bị dán băng keo vài chục năm nên giờ nếu cố gắng gỡ ra thì con chữ sẽ… đi theo. Các dạng nặng như vậy, dù các “bác sĩ” có giỏi đều đành bó tay... Tuy nhiên, trong cái khó ló cái khôn, đó lại là động lực để anh em nghiên cứu, nâng cao thêm tay nghề”.
Cần lắm những truyền nhân
Phó chủ tịch Hội Xuất bản VN, nhà báo Lê Hoàng cho biết: “Tôi nhớ mãi và ấn tượng với những cơ sở đóng sách trên đường Điện Biên Phủ (Q.1), rất tiếc giờ dần bị mai một nên khi làm Đường sách TP.HCM tôi đã cho triển khai ngay dịch vụ này để phục vụ nhu cầu bảo quản lâu dài, nâng cấp tủ sách cũ của độc giả và nhất là những người sưu tập. Thật mừng là hiện nay nhiều bạn trẻ lại say mê với nghề này và bắt đầu xuất hiện những anh tài…”.
Nhà sưu tập Lê Minh Quốc cho rằng: “Sưu tập sách cũ, và “làm mới” lại bằng kỹ thuật, theo tôi, không chỉ là thú vui tao nhã mà còn là dịp tìm về quá khứ. Qua đó, chúng ta còn có dịp tìm hiểu về kỹ thuật in, giấy in, mỹ thuật… của một thời và có thể ít nhiều nhìn thấy sự tiến bộ của ngành in ấn, xuất bản của nước nhà nữa”.
Nghệ nhân Bùi Tiến Phúc say sưa phục chế sách cũ |
Gặp PV Thanh Niên, chị Thu Phạm, quản lý Quán sách Mùa thu, cho biết: “Hầu như anh em trẻ trong nghề này bây giờ chỉ tự học là chính, thiếu sự chuyên nghiệp, trong khi ở nước ngoài muốn giỏi thì phải “dùi mài” từ 7 năm trở lên. Hiện chúng tôi đã mời được các chuyên gia người Việt nổi tiếng ở Bỉ về nước để mở các lớp đào tạo một lực lượng “sao nối ngôi” xứng tầm, đồng thời đầu tư thêm nhiều máy móc, thiết bị hiện đại: máy ép, máy xén… từ nước ngoài rất bài bản. Cùng với sự thông minh, bàn tay điêu luyện và lửa yêu nghề của các nghệ nhân VN, hy vọng trong tương lai không xa, nghề “khoác áo mới” cho sách cũ ở nước ta sẽ có thêm nhiều truyền nhân giỏi và tài hoa”.
Bình luận (0)