Chào bác sĩ, gần đây khi đi đại tiện em cảm thấy khó khăn và hay bị chảy máu đỏ tươi. Em có đi khám và được chẩn đoán là bị trĩ, nhưng uống thuốc vẫn không đỡ. Kính mong bác sĩ tư vấn cho em thêm phương pháp điều trị.
Bệnh trĩ gặp khá nhiều, dân gian có câu ví “thập nhân cửu trĩ”. Thống kê y học trĩ chiếm tới 30-50% người lớn. Những yếu tố làm dễ mắc bệnh trĩ như: lỵ, táo bón, ỉa chảy, ăn cay, bia rượu, đứng lâu,... Hai triệu chứng chính của trĩ là chảy máu tươi và sa trĩ. Có hai loại trĩ là: Trĩ nội khi búi trĩ nằm trên đường răng lược và chia làm 4 độ: (1) trĩ chỉ to trong ống hậu môn, không sa ra ngoài, (2) búi trĩ sa ra ngoài, sau đó tự co lên, (3) búi trĩ sa ra ngoài, phải lấy tay đẩy búi trĩ mới vào lại hậu môn và (4) búi trĩ sa thường xuyên ở ngoài hậu môn hoặc đẩy vào rất khó, đi lại nhiều hoặc gắng sức búi trĩ lại tụt ra ngoài. Trĩ nội có thể làm sa, nghẹt, tắc mạch. Trĩ ngoại búi trĩ nằm ngoài đường răng lược, được phủ bởi da. Trĩ ngoại có thể gây tắc mạch.
Bệnh trĩ có thể điều trị bằng nội khoa, thủ thuật hay phẫu thuật. Chỉ định điều trị tùy theo giai đoạn bệnh, nguyện vọng của bệnh nhân, kinh nghiệm của thầy thuốc và trang thiết bị của cơ sở y tế. Điều trị nội khoa gồm dùng thuốc, chích xơ, thắt vòng cao su…
Phẫu thuật thường là phương sách cuối cùng khi các phương pháp nội khoa và thủ thuật không hiệu quả. Chỉ định phẫu thuật thường chỉ áp dụng cho các búi trĩ nội độ 3, độ 4, trĩ có huyết khối, trĩ vòng sa và xuất huyết nặng. Phẫu thuật được dùng nhiều nhất hiện nay là phương pháp Milligan Morgan và Longo: (1) Phẫu thuật Milligan Morgan: cắt riêng biệt từng búi trĩ, để lại các cầu da-niêm mạc (2) Phẫu thuật Longo: sử dụng máy khâu vòng để cắt một khoanh niêm mạc trên đường lược 2-3 cm và khâu vòng bằng máy bấm. Phương pháp này được ưa chuộng vì ít đau, thời gian nằm viện ngắn, nhanh lành, bệnh nhân về lao động sớm.
Bình luận (0)