Sáng 21.9, Ủy ban Thường vụ Quốc cho ý kiến về dự án luật Khám chữa bệnh sửa đổi.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu ý kiến tại phiên họp |
GIA HÂN |
Một vấn đề được quan tâm là quy định về bảo vệ an ninh trật tự cho các cơ sở khám chữa bệnh được bổ sung vào dự thảo luật lần này.
Cụ thể, khoản 3 điều 109 dự thảo luật quy định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tịch thu phương tiện, công cụ, vật dụng được sử dụng để gây mất an ninh trật tự hoặc có nguy cơ gây mất an ninh trật tự; tạm giữ người có hành vi gây mất an ninh trật tự…
Về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng cơ chế bảo vệ đối với đội ngũ y, bác sĩ là rất cần thiết, phải có biện pháp thực hiện.
“Bây giờ đúng là có tình trạng xâm hại đến sức khỏe của cán bộ y tế, bác sĩ khám bệnh, điều trị, nhất là những chỗ chữa bệnh nguy hiểm, nguy nan. Dù luật hiện nay quy định rồi nhưng vẫn xảy ra”, ông Định nói. Tuy nhiên, luật phải quy định để tránh xung đột với luật khác, và thẩm quyền của người thực hiện các biện pháp này không nên là nhân viên y tế.
Ông Định cho rằng, cần có một lực lượng phụ trách việc này và cần thiết thì có ngân sách để thực hiện.
“Luật viết như thế nào đấy để có một lực lượng chuyên trách, lực lượng bảo vệ, an ninh hay là công cụ gì đấy như máy móc. Ví dụ khi có báo động một cái thì lực lượng chuyên môn mới vào can thiệp. Chứ bác sĩ đang cầm dao mổ bị xông vào đấm, đá, tát thì làm sao mà tự bảo vệ được mình", Phó chủ tịch Quốc hội.
Cạnh đó, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, cơ sở khám chữa bệnh không có quyền “tạm giữ người có hành vi gây mất an ninh trật tự hoặc có nguy cơ gây mất an ninh trật tự” mà phải là cơ quan chức năng.
Từ đó, ông Định đề nghị các Ủy ban của Quốc hội thảo luận thêm vấn đề vì rất cần thiết có cơ chế bảo vệ đội ngũ nhân viên y tế.
“Họ là những người luôn hy sinh, có khi bố mẹ ốm không chăm sóc được mà phải chăm sóc cho người bệnh”, ông Định nêu.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng biện pháp tạm giữ đối tượng gây rối, hoặc tịch thu phương tiện, công cụ đã được quy định trong luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, thẩm quyền của biện pháp này không thuộc về giám đốc bệnh viện hay người đứng đầu các cơ sở y tế. Từ đó, ông Tùng đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ hơn nội dung này để tránh xung đột với các luật khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình việc cụ thể hóa cơ chế bảo vệ cán bộ y tế tại các bệnh viện. Bà đề nghị Bộ Công an, Bộ Tư pháp phối hợp với cơ quan Quốc hội để quy định cụ thể đối với nội dung này để chúng ta bảo vệ cán bộ y tế, tránh tình trạng như thời gian vừa qua.
Điều 109. Bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được áp dụng riêng lẻ hoặc kết hợp biện pháp sau đây để nhận biết, phát hiện, ngăn chặn việc đưa vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các chất, phương tiện, công cụ, vật dụng có thể gây mất an ninh trật tự tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc ngăn chặn các hành vi gây mất an ninh trật tự hoặc có nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
a) Sử dụng trang bị, thiết bị kỹ thuật hoặc biện pháp khác để soi chiếu người, hành lý, hàng hóa ra vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Kiểm tra trực tiếp người, hành lý, hàng hóa ra vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
c) Sử dụng trang bị, thiết bị kỹ thuật hoặc biện pháp khác để giám sát hoạt động của người bệnh, thân nhân của người bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
d) Áp dụng một hoặc nhiều biện pháp ngăn chặn khẩn cấp quy định tại khoản 3 điều này.
3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp sau đây:
a) Tịch thu phương tiện, công cụ, vật dụng được sử dụng để gây mất an ninh trật tự hoặc có nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Tạm giữ người có hành vi gây mất an ninh trật tự hoặc có nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phải thông báo cho cơ quan công an trên địa bàn;
c) Trục xuất người có hành vi gây mất an ninh trật tự hoặc có nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp người đó đang trong tình trạng cấp cứu;
d) Phong tỏa khu vực bị mất an ninh trật tự hoặc có nguy cơ bị mất an ninh trật tự tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bình luận (0)