Bác sĩ điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Bình Thuận: 'Cưng bệnh nhân như cưng trứng'

22/03/2020 11:14 GMT+7

"Nhiều bác sĩ, điều dưỡng phải để con nhỏ ở nhà để thay phiên nhau trực. Chúng tôi phải dỗ dành bệnh nhân, nói cách khác là phải “cưng” bệnh nhân như “cưng trứng", BS điều trị các ca dương tính Covid-19 ở Bình Thuận chia sẻ.

Ăn, ngủ ở bệnh viện

PV Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Dương Thị Lợi (Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận). BS Lợi đang cùng với cộng sự của mình trực tiếp điều trị cho 9 bệnh nhân nhiễm Covid-19 của Bình Thuận.
Chia sẻ những khó khăn của mình và đồng nghiệp, BS Lợi cho biết tập thể Khoa Truyền nhiễm đang làm hết sức mình để giúp người bệnh.
“Khó khăn nhất của chúng tôi hiện nay là nhiều chị em bác sĩ, điều dưỡng phải để con nhỏ ở nhà để thay phiên nhau trực tại Khoa. Ăn ở tại bệnh viện, không được rời vị trí. Những khó khăn này cần được sẻ chia về mặt tinh thần”, BS Lợi tâm tư.

Lập chốt kiểm soát khách Tây vào Mũi Né để chống dịch Covid-19

Được biết, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận được xây dựng từ rất lâu. Cơ sở vật chất xuống cấp, không đủ chuẩn của một khoa nhiễm theo khuyến cáo của WHO. Đây cũng đang là những khó khăn cho công tác cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 nói riêng và bệnh nhiễm nói chung. 
Theo bác sĩ Lợi, các bác sĩ, điều dưỡng cũng chịu áp lực. Đó là làm sao để bệnh nhân mau chóng khỏi bệnh.

Các bác sĩ tại Khoa nhiễm phải ăn ở tại chỗ để chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19. Giờ nghỉ hiếm hoi tranh thủ chợp mắt để giữ sức khỏe

Ảnh: Dương Thị Lợi

Tập thể y bác sĩ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao trong điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19

Ảnh: Dương Thị Lợi

 
Cưng bệnh nhân như cưng trứng
BS Lợi cho hay cả 9 bệnh nhân đều có một nỗi lo giống nhau vì bệnh này chưa bao giờ gặp, mà họ thì đang mắc phải. Riêng bệnh nhân thứ 34 (ca nhiễm Covid-19 thứ 34 của Việt Nam), còn chịu áp lực vì nhiều người trong gia đình chị này bị lây bệnh.
“Chưa biết đúng sai thế nào. Nhưng theo tôi, những áp lực từ búa rìu dư luận tác động đến bệnh nhân 34 là rất lớn. Chúng tôi không chỉ điều trị bệnh lý, mà lúc này còn phải “điều trị” tinh thần. Thậm chí chúng tôi phải an ủi, dỗ dành bệnh nhân, nói cách khác là phải “cưng” bệnh nhân như “cưng trứng đấy”, BS Lợi nói.
“Làm vậy để bệnh nhân được an ủi, sẻ chia, vững tin vào sự điều trị của thầy thuốc. Mặt khác, mong bệnh nhân hé ra một chút thông tin gì đó, rồi báo lại cho anh em đồng nghiệp điều tra dịch tễ. Lúc này trách nhiệm của một người bác sĩ như chúng tôi cao hơn cả việc chữa bệnh”, BS Lợi chia sẻ. 
“Tội nghiệp nhất là các bệnh nhân còn một nỗi sợ chung nữa là sợ thầy thuốc tin lời dư luận bên ngoài, không tin họ và bỏ rơi họ”, BS Lợi nói.
Phương châm mà các thầy thuốc ở khoa này đối xử với các bệnh nhân nhiễm Covid-19 là phải “ngọt như mía lùi”. “Về khoản này thì tôi rất an tâm về đồng nghiệp của mình trong khoa”, BS Lợi tự tin.
“Thực ra chỉ có 9 bệnh nhân nằm trong khoa, nhưng chúng tôi ý thức được việc tác động của nó ra bên ngoài, ra tỉnh khác, thậm chí là cả nước. Tôi chỉ đạo anh chị em trong khoa phải nhỏ nhẹ, dỗ dành bệnh nhân. Đó không chỉ là y đức, mà là trách nhiệm. Mục đích để bệnh nhân thoải mái, họ bớt stress, có sức đề kháng, mau khỏi bệnh, phần nữa là để họ khai báo ra đã tiếp xúc những ai. Tôi còn đề nghị các bệnh không nên dùng điện thoại. Ngay cả bệnh nhân 34 tôi cũng khuyên không nên dùng điện thoại khi không cần thiết. Mục đích lớn hơn chính là cho bệnh nhân giảm nỗi lo. Và quan trọng là để họ khai ra quá trình di chuyển của mình. Những cái đó là công việc, là trách nhiệm của chúng tôi, phải hoàn thành tốt nhất", BS chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.