'Bác sĩ gia đình là chuyên khoa thì người dân mới tin và đến khám'

23/10/2024 18:39 GMT+7

'Khi bác sĩ gia đình là chuyên khoa thì người dân mới tin và đến khám. Bác sĩ mà nói học 3 tháng là trở thành bác sĩ gia đình thì sẽ không tạo niềm tin cho người dân', Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ chia sẻ.

Ngày 23.10, Sở Y tế TP.Cần Thơ tổ chức hội nghị y tế cơ sở lần thứ 1 - năm 2024. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Y tế, các tổ chức quốc tế, đại diện nhiều trường đại học, cao đẳng và sở y tế của nhiều tỉnh thành trong nước.

'Bác sĩ gia đình là chuyên khoa thì người dân mới tin và đến khám'- Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị

ẢNH: THANH DUY

Có niềm tin người dân mới khám y tế cơ sở

Tại hội nghị, ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ, báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25.10.2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới tại Cần Thơ.

Ông Cường cho biết, Cần Thơ có 3 bệnh viện đa khoa, 9 trung tâm y tế và 80 trạm y tế. Gần 2.000 nhân viên y tế tuyến huyện, xã và 563 nhân viên y tế ấp, khu vực. Tất cả trạm y tế đều có bác sĩ, gần 83% có dược sĩ và hơn 87% có cán bộ sản - phụ khoa.

'Bác sĩ gia đình là chuyên khoa thì người dân mới tin và đến khám'- Ảnh 2.

Ông Hồ Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư

ẢNH: THANH DUY

Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 25, Thành ủy, UBND TP.Cần Thơ đã ban hành các kế hoạch triển khai cụ thể. Đến nay, 99,2% nhân khẩu có hồ sơ sức khỏe điện tử, 100% trạm y tế sử dụng phần mềm khám chữa bệnh.

Điểm nổi bật là Cần Thơ đã đào tạo được 106 bác sĩ gia đình tại các tuyến y tế cơ sở. Mới đây, 3 phòng khám bác sĩ gia đình được thành lập tại 3 trạm y tế ở Q.Cái Răng, Q.Thốt Nốt và H.Vĩnh Thạnh. Đây là điều mà thành phố đặt nhiều tâm huyết để thành lập chuỗi phòng khám bác sĩ gia đình, nhân rộng đến nhiều nơi trong địa bàn.

Trên tinh thần đó, Sở Y tế Cần Thơ kiến nghị Bộ Y tế xem xét, sửa đổi thông tư 03/2023/TT-BYT quy định 7 vị trí việc làm tại trạm y tế xã (chưa có bác sĩ chuyên khoa – PV) do chưa phù hợp với việc phát triển mô hình bác sĩ gia đình. Hiện, Cần Thơ chỉ cho phép bác sĩ chuyên khoa I về bác sĩ gia đình đứng phòng khám bác sĩ gia đình, chưa triển khai nhận bác sĩ đào tạo 3 tháng.

'Bác sĩ gia đình là chuyên khoa thì người dân mới tin và đến khám'- Ảnh 3.

Đến nay, TP.Cần Thơ có 106 bác sĩ gia đình tại các tuyến y tế cơ sở

ẢNH: THANH DUY

Về lý do, ông Cường giải thích: "Ở nước ngoài, bác sĩ gia đình là người rất giỏi, có thể tổng quát được tất cả các bệnh từ nhi đến sản - phụ khoa, người già, người cao tuổi. Họ học chuyên khoa, học rất sâu. Còn ở Việt Nam chúng ta học 3 tháng là thành bác sĩ gia đình thì chúng tôi thấy vấn đề này cần phải sửa đổi trong thời gian tới. Ít nhất cũng phải từ 3-4 năm thì mới trở thành bác sĩ gia đình thực sự".

Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ nói thêm: "Khi bác sĩ gia đình là chuyên khoa thì người dân mới tin và đến khám. Bác sĩ mà nói học 3 tháng là trở thành bác sĩ gia đình thì chắc chắn sẽ không tạo niềm tin cho người dân và sẽ mất thương hiệu bác sĩ gia đình. Cho nên, chúng tôi rất là tha thiết kiến nghị Bộ Y tế và các trường hãy đào tạo bác sĩ gia đình là một bác sĩ chuyên khoa thực thụ như các nước khác đã làm".

Phát triển song song y tế cơ sở trong và ngoài công lập

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Cần Thơ là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai y tế cơ sở. Đến nay, thành phố đã có những kết quả đáng ghi nhận trong việc từng bước thu hút nhân lực y tế cơ sở, triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đáng chú ý là con số 18,02 bác sĩ/vạn dân, là mật độ cao so với trung bình cả nước.

'Bác sĩ gia đình là chuyên khoa thì người dân mới tin và đến khám'- Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị

ẢNH: THANH DUY

Tuy nhiên, ngành y tế Cần Thơ vẫn còn được kỳ vọng nhiều hơn trong việc hoàn thiện hệ thống tổ chức, nâng cao nhân lực, triển khai dịch vụ kỹ thuật cao và ứng dụng công nghệ trong quản lý, chăm sóc sức khỏe người bệnh. Ngoài tập trung phát triển mô hình bác sĩ gia đình thì cần thiết lập hệ thống chuyển tuyến chuyên môn linh hoạt. Đặc biệt, Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL, cần chú ý phát triển hài hòa y tế cơ sở cả trong và ngoài công lập, phải làm sao để người dân khám bệnh ở đâu cũng có thể thanh toán được BHYT.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ thêm, cơ chế thanh toán BHYT là cho người bệnh chứ không phải bệnh. Việc cập nhật danh mục thuốc thanh toán BHYT chậm ảnh hưởng không nhỏ tới việc khám chữa bệnh của người dân. Thực tế hiện nay, người dân chỉ thanh toán BHYT được khoảng 70%, còn khoảng 30% là phải xuất tiền túi mua các loại thuốc mới ngoài danh mục. Vì vậy, Bộ Y tế đã ban hành thông tư nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân có tham gia BHYT. Đó là, trong tình huống bất khả kháng, người dân đến khám bệnh tại cơ sở y tế chưa cung ứng kịp thời thuốc, vật tư y tế thì đi mua vẫn được thanh toán trực tiếp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.