Ngày 12.12, lần đầu tiên gần 400 học sinh lớp 5 Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) đã được bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Nguyệt Cầu, Trung tâm Y tế Q.1 gỡ rối những băn khoăn, lo lắng, tò mò về giới tính.
Với lối dẫn dắt hóm hỉnh, thân thiện, thấu hiểu tâm lý học sinh tiểu học, bác sĩ Nguyễn Nguyệt Cầu, đã cung cấp cho học sinh những kiến thức quan trọng về sự thay đổi thể chất, tâm sinh lý của bé trai và bé gái trong giai đoạn dậy thì. Bên cạnh đó là các biện pháp giữ vệ sinh, chăm sóc cơ thể, cân bằng tâm lý trước và trong giai đoạn thay đổi quan trọng này.
Bác sĩ còn hướng dẫn học sinh các kỹ năng phòng tránh bị xâm hại, nhất là xâm hại trên không gian mạng và giáo dục quy tắc 5 ngón tay để có hành vi, ứng xử phù hợp với từng đối tượng khi tiếp xúc.
Ở phần "Gỡ rối"; "Bác sĩ hỏi, bạn trả lời", học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo đã mạnh dạn, tự tin đặt ra nhiều câu hỏi để giao lưu cùng bác sĩ như: Sau 18 tuổi, đi bơi có thể cao thêm được không? Có nên tắm vào những "ngày đèn đỏ"? Những "ngày đèn đỏ", mất nhiều máu, có giảm cân hay không? Tại sao con trai không có tử cung? Để tránh bị da khô, em nên làm gì? Ốm tốt hơn hay mập tốt hơn? Tại sao khi càng lớn, cơ thể bạn nữ càng phổng phao và phát triển hơn bạn nam?....
Tại đây, mọi thắc mắc, thầm kín nhất về sức khỏe, giới tính của học sinh đều được bác sĩ Nguyệt Cầu giải đáp, trao đổi một cách thẳng thắn, rõ ràng và khoa học nhằm giúp các em bổ sung những thông tin cần thiết về sức khỏe giới tính.
Một học sinh lớp 5T chia sẻ: "Con đã từng rất mắc cỡ ngay cả khi nói chuyện với ba mẹ về sự thay đổi trong cơ thể của mình. Con chỉ sợ cơ thể mình bị bất thường nhưng nay con biết sự phát triển của mỗi người là khác nhau, không ai giống ai. Và từ nếu có băn khoăn gì con sẽ hỏi mẹ, hỏi cô, và nhờ hỏi bác sĩ để hiểu đúng và bảo vệ cơ thể".
Bà Lê Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1), cho biết: "Qua tiếp xúc và quan sát, nhà trường nhận thấy thấy học sinh có nhu cầu, quan tâm đến tâm sinh lý lứa tuổi và sức khỏe giới tính. Học sinh lớp 5 là lứa tuổi đang bước vào giai đoạn dậy thì, có những thay đổi về cơ thể, tâm sinh lý với không ít những bỡ ngỡ, băn khoăn, tò mò nhưng lại ngại bày tỏ, chia sẻ".
Vì vậy, nhà trường đã tổ chức chuyên đề về nội dung giáo dục giới tính để đồng hành cùng các con. Ban giám hiệu phải cất công tìm bác sĩ, báo cáo viên có thể tạo cho học sinh sự thân thiện, gần gũi, sử dụng ngôn ngữ phù hợp khiến các con hào hứng, mạnh dạn đặt câu hỏi, theo bà Hương.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Nguyệt Cầu chia sẻ, việc giáo dục giới tính và trang bị kỹ năng bảo vệ cơ thể, thân thể là chương trình giáo dục rất cần thiết đối với học sinh, đặc biệt có thể trang bị ngay từ lứa tuổi mầm non.
"Tuy nhiên, cách tiếp cận cần nhẹ nhàng và cung cấp kiến thức theo hướng gợi mở để học sinh chủ động cập nhật kiến thức chứ không nghe một cách thụ động. Có như vậy việc giáo dục giới tính mới đạt hiệu quả bởi giúp học sinh có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng cần thiết, đủ tự tin, bình tĩnh và sẵn sàng đón nhận những thay đổi của cơ thể khi dần lớn khôn và trưởng thành", bác sĩ Nguyễn Nguyệt Cầu nói.
Bình luận (0)