Hôm 14.6, nhà chức trách tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã ghi nhận một trường hợp phải đi viện cấp cứu và được bác sĩ chẩn đoán ngộ độc, chỉ một ngày sau khi cô này chụp ảnh "tự sướng" với hoa trúc đào. Loài hoa này, được mệnh danh là “sự quyến rũ của thần chết”, độc hại đến mức có thể gây ra các phản ứng nghiêm trọng khi tiếp xúc gần.
Theo bác sĩ Bệnh viện Trịnh Châu (Trung Quốc), triệu chứng nhiễm độc trúc đào là buồn nôn, nôn mửa, rối loạn điện giải và tổn thương cơ.
Những triệu chứng ngộ độc trúc đào biểu hiện ở trạng thái khó chịu, bải hoải chân tay, buồn nôn, chóng mặt |
Shutterstock |
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Y Dược TP.HCM, cơ sở 3, cho biết trúc đào có tên khoa học: Nerium oleander L, họ trúc đào (Apocynaceae). Vì toàn cây trúc đào có nhựa đục rất đắng và độc, axit hydrocyanic và những glucosid độc là oleandrin, neriin, neriantin.
Y học cổ xưa đã công nhận trúc đào rất độc. Bò, ngựa ăn phải một số lá trúc đào tươi đã bị ngộ độc. Qua thử nghiệm người ta thấy rằng, người uống phải nước có lá trúc đào rơi vào hay nước ngâm rễ trúc đào sẽ bị trúng độc. Ở đảo Corse, Pháp, có trường hợp ngộ độc vì ăn chả nướng xiên bằng cành trúc đào và uống nước đựng trong chai nút bằng gỗ trúc đào.
Những triệu chứng ngộ độc trúc đào biểu hiện ở trạng thái khó chịu, bải hoải chân tay, buồn nôn, chóng mặt (với liều nhỏ); tiêu chảy ra máu, rối loạn hô hấp, nôn mửa, chân tay co giật, loạn nhịp tim, mạch nhỏ yếu đi tới hôn mê và tử vong (với liều cao).
Do đó, không trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước như giếng, ao, bể nước; không buộc hoặc thả gia súc dưới gốc cây trúc đào, không để trẻ nhỏ nhặt chơi hoa trúc đào vì trẻ dễ cho hoa vào miệng; không ngậm hoa vào miệng, không dùng lá trúc đào chữa bệnh ngoài da dưới bất kỳ hình thức nào.
Bình luận (0)