PGS-TS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi đã chia sẻ với PV Thanh Niên xung quanh câu chuyện xét nghiệm kháng thể Covid-19 mà hiện nay nhiều người đến các bệnh viện, phòng khám tư để làm.
Nhiều người sau tiêm vắc xin đi xét nghiệm kháng thể |
DUY TÍNH |
“Xét nghiệm kháng thể Covid-19 hiện nay được nhiều người nghĩ là có thể đánh giá được hiệu giá kháng thể sau khi tiêm vắc xin hoặc sau khi nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, sau khi nhiễm Covid-19 đương nhiên người bệnh sẽ có kháng thể nên thật sự không cần thiết phải kiểm tra. Thông thường kháng thể có được sau khi nhiễm Covid-19 sẽ cao hơn kháng thể hình thành sau khi tiêm những loại vắc xin hiện nay. Vì vậy, một số người có thể nghi ngờ vắc xin không tốt nên mới đi xét nghiệm”, TS-BS Mạnh Siêu nói.
Nguyên tắc tiêm vắc xin là đưa kháng nguyên vi rút hoặc vi rút đã được bất hoạt vào cơ thể người khỏe mạnh để kích thích hệ miễn dịch sinh ra kháng thể chống lại vi rút đó. Các vắc xin hiện nay thường chọn một loại kháng nguyên đặc hiệu của vi rút để sản xuất. Bản chất của kháng nguyên đặc hiệu này là một loại protein, khi đưa protein này vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ phản ứng và sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên của vi rút. Vì vậy, ngoại trừ vắc xin là vi rút bất hoạt, các loại vắc xin hiện nay có xu hướng chọn lọc kháng nguyên đặc hiệu, chỉ là 1 hoặc 2 protein đặc thù của vi rút do đó không thể đại diện cho tất cả kháng nguyên của vi rút
Như vậy kháng nguyên nào sẽ sinh ra kháng thể đó, khi kiểm tra nồng độ kháng thể thì phải biết kháng thể sinh ra chỉ để chống lại 1 hoặc 2 loại protein nào có trong vắc xin. Như vậy thì tùy theo hãng vắc xin chọn protein đặc hiệu nào để sản xuất vắc xin thì kháng thể sinh ra sẽ tương ứng với protein đó.
10 bài học kinh nghiệm chống dịch Covid-19 ở TP.HCM |
Những tình huống có thể xảy ra
Cụ thể như vi rút SARS-CoV-2, có 2 loại kháng nguyên đặc hiệu là kháng nguyên N và kháng nguyên S. Bản chất kháng nguyên này là một protein. Tuy nhiên các loại vắc xin hiện nay chỉ sử dụng protein S làm kháng nguyên. Như vậy có các trường hợp sau xảy ra:
- Nếu test tìm kháng nguyên N và S đều dương tính: bệnh nhân đã nhiễm vi rút
- Nếu test tìm kháng nguyên N âm tính, kháng nguyên S âm tính: bệnh nhân chưa từng nhiễm Covid-19 và chưa được chích ngừa.
- Nếu test tìm kháng nguyên N âm tính, kháng nguyên S dương tính: bệnh nhân chưa bị nhiễm covid-19 và đã được chích ngừa.
“Nhìn chung, đối với trường hợp tiêm vắc xin Covid-19 xong rồi thử lại kháng thể thì thường mọi người sẽ không biết chọn loại test nào để thử được đúng loại protein đã được tiêm. Nếu dùng loại test phát hiện ra loại protein khác của vi rút để tìm protein này thì coi như nó không có giá trị”, PGS-TS Mạnh Siêu phân tích.
Chưa kể, còn có loại xét nghiệm thứ ba đó là loại thử kháng thể trung hòa bề mặt, loại này tương đối chính xác hơn hai loại trên nhưng chỉ phản ánh tình trạng đang bị nhiễm Covid-19, không đánh giá được miễn dịch sau chủng ngừa.
Mặt khác, việc kiểm tra kháng thể hiện nay có 2 cách đo: định lượng và định tính. Thông thường test nhanh (rapid test) chỉ định tính (có hoặc không có kháng thể) chứ không đo được nồng độ kháng thể, độ tin cậy không cao". Muốn đo nồng độ kháng thể phải định lượng bằng kỹ thuật hóa miễn dịch (EIA, ELISA).
“Hiện nay những nơi bán kit test xét nghiệm kháng thể trên thị trường không ai chú ý đến kit test phát hiện ra protein gì, do đó chúng ta cần phải hiểu cơ chế để sử dụng đúng mục đích". PGS-BS Siêu khuyến cáo.
Vì vậy, theo PGS-TS Mạnh Siêu, vai trò của bác sĩ tư vấn rất quan trọng trong việc lựa chọn loại test kháng nguyên nào phù hợp với kháng nguyên có trong vắc xin. Đa số khi dùng test nhanh thì mọi người sẽ không hiểu được test nhanh mình đang dùng là loại gì nên có trường hợp nhiều người đã tiêm vắc xin nhưng xét nghiệm kháng thể thì nồng độ kháng thể thấp.
Bình luận (0)