Bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Thị Phương Thảo, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP.HCM:
Không nên nặn, lể hay hút mụn. Việc nặn, lể hay hút mụn có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: làm mụn trứng cá nặng hơn; nhiễm vi trùng từ bàn tay; dễ dẫn đến sẹo rỗ, sẹo lồi.
Việc nặn mụn có thể làm tình trạng nhiễm trùng lan rộng và nặng thêm, hơn nữa còn có khả năng để lại sẹo và vết thâm. Việc điều trị sẹo và vết thâm đôi khi còn lâu dài và có thể không hồi phục lại hoàn toàn như lúc ban đầu.
Mặt khác, vùng mặt lại là nơi có nhiều mạch máu, dây thần kinh nên cần phải hết sức thận trọng. Trong đó, ở vùng chữ T trên khuôn mặt là nơi các mạch máu thông nối với nhau, nếu không cẩn thận, việc nặn mụn có thể làm tình trạng nhiễm trùng lan rộng.
Đặc biệt khu vực gian mày, các mạch máu thông nối với động mạch mắt, có thể đi vào bên trong sọ não gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
Thậm chí, việc nặn mụn, nếu trên cơ địa người bệnh suy giảm miễn dịch đi kèm (như đái tháo đường, suy thận, ung thư...) thì nguy cơ nhiễm trùng rất dễ dẫn đến viêm mô tế bào; diễn tiến nặng hơn nữa vi trùng sẽ đi vào trong máu và gây ra nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng.
Khi bị các vấn đề về mụn, tốt nhất nên đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu. Tùy mức độ mà bệnh nhân sẽ được áp dụng các biện pháp điều trị khác nhau, bao gồm: điều trị tại chỗ, điều trị toàn thân, phối hợp laser và ánh sáng...
Để ngăn ngừa mụn, cần chăm sóc, vệ sinh da hằng ngày, đảm bảo da sạch bằng cách rửa mặt tối đa 2 lần/ngày hoặc khi đổ mồ hôi nhiều; để da thông thoáng bằng cách hạn chế trang điểm quá dày, hạn chế sử dụng một số sản phẩm có thể gây bít tắc lỗ chân lông làm tình trạng mụn nặng hơn.
Nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc da đúng cách và chống nắng cho làn da.
Bên cạnh đó, nên điều chỉnh chế độ sinh hoạt lành mạnh tốt cho làn da như: ăn uống nghỉ ngơi điều độ; uống đủ nước; ăn nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm nhiều chất xơ, chất chống ô xy hóa; không hút thuốc; hạn chế rượu, bia và không dùng các chất kích thích.
Bình luận (0)