Bác sĩ ơi: Người nhà bị đột quỵ, phải xử trí, đưa đi cấp cứu như thế nào?

12/01/2017 13:46 GMT+7

Khi người trong nhà bị đột quỵ, hầu như thân nhân rất lúng túng trong cách xử trí ban đầu, đặc biệt là di chuyển người bệnh đến bệnh viện. Có những trường hợp, bệnh nhân nặng thêm do người thân xử trí, di chuyển không đúng cách.

Bệnh càng nặng do bồng bế sai cách

Khi người trong nhà bị đột quỵ, hầu như thân nhân rất bối rối trong cách xử trí ban đầu, đặc biệt là di chuyển người bệnh. Có những trường hợp, bệnh nhân bị nặng thêm do người thân xử trí, di chuyển không đúng cách.

Trường hợp bà M.T.T. (65 tuổi, ngụ TP.HCM) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM trong tình trạng liệt tứ chi. Bà T. được người nhà phát hiện đang mê man khi gọi thức dậy vào buổi sáng. Bà có tiền căn thoát vị đĩa đệm cổ trước đó.

Qua phim chụp CT, bác sĩ thấy xuất huyết não một bên nhưng không quá lớn nên chưa thể giải thích được nguyên nhân liệt tứ chi của người bệnh. Người bệnh được chỉ định chụp MRI cột sống cổ thì thấy có tổn thương tủy cổ.

Theo người nhà bệnh nhân, bà được bế, để đầu cổ tự do theo nhịp chạy của người bế trong quá trình chuyển đến bệnh viện.


Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Quốc Tuấn, Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đánh giá, nhiều khả năng chính việc di chuyển đã làm người bệnh cúi hoặc ngửa cổ quá mức, gây tổn thương tủy cổ, dẫn đến liệt tứ chi.

Trong khi đó, anh N.M.D. (42 tuổi, ngụ TP.HCM) sau khi bị đột quỵ té ngã nằm trên sàn nhà tắm, đã bị té ngã thêm lần nữa. Bởi lẽ, khi chạy vào cấp cứu, bế anh D. đi bệnh viện, người nhà bế anh lại bị trượt chân té trên sàn nhà tắm.

Lúc nhập viện, qua phim chụp CT, bệnh nhân được phát hiện vừa có chấn thương sọ não, vừa có nhồi máu não kèm theo.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Quốc Tuấn (Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), nhiều bệnh nhân đột quỵ nhập viện với tình trạng nặng thêm do ảnh hưởng của việc di chuyển, xử trí ban đầu sai.


Sơ cứu, di chuyển như thế nào là đúng?

Bác sĩ Tuấn nhận định, các sai lầm thường gặp khi di chuyển bệnh nhân đột quỵ là người nhà không đánh giá được tình trạng nặng cần hồi sức tim phổi. Lúc này việc hồi sức trễ (không phải việc di chuyển) có thể khiến người bệnh nặng thêm.

Khi di chuyển, không cố định các phần cơ thể người bệnh.

Để té ngã, nhất là khi chỉ có một người di chuyển người bệnh.

Không có nhân viên y tế hỗ trợ trên đường di chuyển nên không phát hiện được tình trạng người bệnh diễn tiến nặng lên, cần hồi sức.

Việc di chuyển bệnh nhân sai cách có thể dẫn đến nhiều tai biến nặng hơn, thậm chí bị liệt - Ảnh: ShutterStock

Qua đó, bác sĩ Tuấn cho biết, khi có người bị đột quỵ, thân nhân cần sơ cấp cứu ban đầu gồm:

Hồi sức tim phổi nếu người bệnh bị ngưng thở hoặc ngưng tim.

Người bệnh cần được nằm ở tư thế thoải mái nhất nếu họ tỉnh, hoặc nằm nghiêng về phía nửa người bị ảnh hưởng (yếu liệt) nếu họ không tỉnh táo hẳn.

“Việc nằm nghiêng là để ngừa hít sặc do nôn ói. Nằm nghiêng về phía bên liệt là để phía không liệt còn có thể cử động ra hiệu được khi cần”, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Cần cố định các phần cơ thể khi di chuyển. Trong đó, việc vận chuyển người bệnh đột quỵ cần theo ba nguyên tắc: Đảm bảo đường thở và tim đập. Cố định bảo vệ được các bộ phận có thể tổn thương như đầu cổ, tứ chi. Nhanh nhất có thể.

Bệnh nhân cần được cố định các bộ phận quan trọng bao gồm đầu cổ, tứ chi khi di chuyển.


“Nếu không có cáng chuyên dụng thì tốt nhất là để người bệnh trên mặt phẳng cứng, tay chân xuôi theo mình; dùng giầy nặng hoặc chăn cố định hai bên đầu nhằm tránh chấn thương cột sống cổ lúc di chuyển”, bác sĩ Tuấn hướng dẫn.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Tuấn: “Tốt nhất là nên gọi xe cấp cứu để bệnh nhân được đưa đến bệnh viện nhanh chóng và có nhân viên y tế đi cùng, xử lý đúng cách”.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.