Bác sĩ ơi: Phân biệt đột quỵ và cơn đau tim

08/12/2019 08:33 GMT+7

Mặc dù vẫn nghe nhiều người nói đến bị đột quỵ và lên cơn đau tim nhưng tôi không rõ làm thế nào để phân biệt hai biến cố này cũng như phòng ngừa ra sao. Xin bác sĩ tư vấn thêm. ( Ngô Bảo Nam, 55 tuổi, ngụ Long An)

Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Bình, Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM:
Cơn đau tim xảy ra khi dòng máu đi đến một phần nào đó của tim bị tắc, thường là do cục máu đông làm tắc nghẽn dòng chảy mạch máu nuôi tim. Không có máu giàu dưỡng khí, cơ tim bắt đầu chết. Cơn đau tim như trên gọi là nhồi máu cơ tim.
Đột quỵ của não xảy ra khi dòng máu và dưỡng khí đi lên não bị gián đoạn, do một mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn do cục máu đông hay do mạch máu bị vỡ.
Một triệu chứng chung của đột quỵ là xảy ra đột ngột và đau đầu dữ dội. Đột quỵ đôi khi được gọi là cơn bệnh não. Ngược lại, cơn đau tim thường xảy ra với đau ngực.
Việc nhận biết đúng các triệu chứng khác nhau của đột quỵ và cơn đau tim có thể giúp đưa ra cách sơ cứu khác nhau đúng đắn.

Dấu hiệu của cơn đau tim:

Một số cơn đau tim xảy ra đột ngột và dữ dội, khiến người bệnh thở hổn hển, cảm giác đè nặng trước ngực và ngã xuống nền. Trong khi đó, cũng có những trường hợp bắt đầu từ từ, đau nhẹ hoặc khó chịu, thường không biết mình bị gì và chờ khá lâu mới đi khám.
Đa số thấy khó chịu ở giữa ngực kéo dài hơn mấy phút rồi hết hoặc bị lại. Có thể cảm thấy khó chịu như bị đè ép, bị vắt, căng đầy hoặc đau.
Mặt khác, có khó chịu tại các vùng phía trên cơ thể: có thể đau hay khó chịu một hay hai tay, cổ, lưng, hàm hay dạ dày; ra mồ hôi lạnh, buồn nôn hay đau đầu nhẹ. Khó thở, kèm theo hoặc không với khó chịu trong lồng ngực.

Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ:

Tê hay yếu đột ngột ở mặt, tay, chân, nhất là ở một bên cơ thể.
Lẫn lộn đột ngột, rối loạn nói hay hiểu biết.
Rối loạn nhìn đột ngột ở một hay hai mắt.
Rối loạn đột ngột về đi lại, hoa mắt chóng mặt, mất thăng bằng, mất phối hợp động tác.
Đau đầu đột ngột, dữ dội mà không biết nguyên nhân.
Nếu bạn hay người xung quanh có bất kỳ dấu hiệu nào thì nên gọi cấp cứu 115 hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Phòng ngừa bệnh:

Dù là hai biến cố sức khỏe khác nhau nhưng cả hai đều có những khuyến cáo chung giống nhau giúp đề phòng đột quỵ và cũng có thể giúp giảm nguy cơ cơn đau tim. Bao gồm:
Giữ mức cholesterol và huyết áp trong các giới hạn khỏe mạnh; duy trì cân nặng khỏe mạnh; giữ đường huyết có kiểm soát; không hút thuốc; hạn chế rượu bia. Có chế độ vận động, thể dục thể thao và ăn uống điều độ: tập luyện thường quy nhiều ngày trong tuần; chế độ ăn có mức độ thấp mỡ bão hòa, các loại đường cho thêm và sodium.
Lối sống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ cơn đau tim hay đột quỵ.
Các thao tác xử lý khi phát hiện một người có dấu hiệu đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim (theo hướng dẫn của chuyên gia sơ cấp cứu người Úc Tony Coffey, thuộc Tổ chức Survival Skills Vietnam):
1. Gọi xe cấp cứu 115.
2. Nếu người ấy còn tỉnh, để ở tư thế ngồi hoặc thoải mái nhất với họ.
3. Nếu người ấy bất tỉnh, còn thở, đặt nằm nghiêng một bên.
4. Nếu người ấy bất tỉnh, không còn thở, lập tức thao tác CPR ép tim và thổi ngạt.
CPR là phương pháp hồi sức tim - phổi để giúp bơm một lượng máu tới tim và não nhằm kéo dài thời gian sống của nạn nhân trong khi chờ trợ giúp y tế chuyên sâu.
Thực hiện CPR: Quỳ gối bên nạn nhân đang nằm ngửa, đặt lòng một bàn tay vào chính giữa ngực nạn nhân (ngay phía dưới đoạn xương nối giữa 2 lồng ngực) với các ngón tay song song với xương sườn. Đặt bàn tay còn lại lên trên tay kia, và dùng phần thân trên tạo lực ép thẳng xuống qua 2 bàn tay, với 30 lực ép lên ngực (nhịp độ 2 lực ép/giây). Tiếp theo là 2 lần thổi ngạt: thổi vào miệng hoặc mũi nạn nhân, thổi 2 hơi để lồng ngực nhô lên, không kéo dài quá 2 giây. Sau đó tiếp tục 30 lần ép tim và theo chu trình 30 - 2 như vậy.
Phương An (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.