Tiến sĩ - bác sĩ Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Nội Cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM:
Ở người bình thường, lượng acid uric trong máu được giữ ở nồng độ dưới 7 mg/dl đối với nam và dưới 6 mg/dl đối với nữ.
Khi nguồn tạo ra acid uric và nguồn thải loại acid uric cân bằng, nồng độ acid uric ở trong máu sẽ được giữ ổn định. Khi nguồn tạo acid uric nhiều nhưng thải ra ít thì dễ gây tình trạng tăng acid uric máu.
Tăng acid uric trong máu có thể không gây triệu chứng gì nhưng cũng có thể lắng đọng trong khớp và các mô quanh khớp gây bệnh gút.
Ngoài ra, acid uric còn lắng đọng ở nhiều cơ quan khác gây các bệnh khác nhau như: sỏi thận, tăng nguy cơ bệnh tim mạch, đái tháo đường...
Để điều chỉnh giảm acid uric, người bệnh nên đến khám bác sĩ chuyên khoa nội cơ xương khớp để đánh giá xem mình có cần điều trị bằng thuốc hay không.
Bên cạnh đó cần có chế độ ăn thích hợp, cụ thể:
- Hạn chế sử dụng thực phẩm giàu purin như: thịt đỏ, hải sản, phủ tạng động vật và một số thực phẩm thực vật như nấm, măng…
- Tăng cường thực phẩm chứa ít purin: là những loại thực phẩm như ngũ cốc, rau nhiều chất xơ…
- Hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích: uống nhiều rượu bia làm giảm bài tiết acid uric.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy người uống hơn một lít bia mỗi ngày có nguy cơ bệnh gút cao gấp 2,5 lần so với người không uống.
- Bổ sung đủ nước, ăn nhiều rau xanh: cần tăng cường uống nước giúp việc thải bỏ acid uric khỏi cơ thể tốt hơn.
Bình luận (0)