Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Bay, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Nguyên Trưởng bộ môn Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM: Trước khi uống rượu bia, nên ăn một chút thực phẩm giúp cồn không bị hấp thụ nhanh, đồng thời làm giảm acetaldehyde.
Trong đó, thực phẩm chiên/rán có thể giúp bề mặt dạ dày và ruột được “tráng” một lớp dầu, nhằm giảm lượng cồn hấp thu vào máu qua niêm mạc.
Ngoài ra, ăn lòng trắng trứng gà hoặc trứng vịt cũng có ích trong việc giảm tác dụng của rượu bia. Chất albumin của lòng trắng trứng sẽ làm kết tủa cồn trong rượu, giảm lượng cồn hấp thu vào máu, bảo vệ dạ dày trước tác động của lượng cồn có trong rượu.
Trước khi uống rượu bia cũng có thể uống một ly sữa hoặc một muỗng canh dầu ô liu.
Nhậu… từ từ
Uống rượu bia nhanh và nhiều khiến cơ thể phải dung nạp một lượng lớn rượu bia có thể làm các cơ quan có chức năng thanh lọc trong cơ thể quá tải và tổn hại, dẫn đến sốc, ngộ độc.
Thế nên, chỉ nên uống từ từ và đặc biệt uống thật nhiều nước. Tuy nhiên, không nên uống các loại nước có chứa caffeine (cà phê và trà) sau khi uống rượu bia. Sự kết hợp giữa caffeine và cồn có thể làm bạn tiêu chảy, ngạt mũi và càng làm tăng hiệu ứng say xỉn.
Không nên uống các loại rượu pha với nước có ga như bia, champagne, rượu mạnh pha với soda hay các loại nước ngọt có ga khác.
Rượu có độ cồn khi gặp ga của nước ngọt sẽ làm cho cồn nhanh chóng lan tỏa khắp toàn thân, đồng thời sản sinh ra lượng lớn CO2 gây nguy hại cho gan, thận và dạ dày, đường ruột.
Đặc biệt, khi mệt mỏi thì đừng nên uống bia rượu vì bia rượu sẽ ngấm càng nhanh càng mạnh hơn nếu cơ thể mệt mỏi. Mệt mỏi sẽ dẫn đến lượng cồn trong máu cao hơn bình thường và chức năng gan suy giảm. Hơn nữa, rượu bia còn gây ra trầm cảm khi sử dụng lúc mệt mỏi.
Bình luận (0)