Trước hàng ngàn những câu hỏi thắc mắc về tiêm vắc xin Covid-19 mà nhiều người đang quan tâm và đặt ra, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), đã có những chia sẻ rất hữu ích và trả lời tất tần tật những câu hỏi liên quan về tiêm vắc xin Covid-19.
Được sự đồng ý của bác sĩ Khanh, phóng viên Thanh Niên lược ghi lại qua video những chia sẻ hữu ích này nhằm giúp cho các bạn trẻ, gia đình trẻ và tất cả người dân đang có những thắc mắc về tiêm vắc xin Covid-19 có thể an tâm hơn.
Tiêm vắc xin Covid-19 có tạo con vi rút corona trong họng và gây nhiễm bệnh?
Hiện nay, có rất nhiều người hỏi tôi: “Không biết vắc xin này chích vào có tạo con vi rút trong họng không?”. Một số nhóm anti vắc xin đồn là tiêm vắc xin Covid-19 vào sẽ tạo ra con vi rút và lây bệnh. Điều này là hoàn toàn sai, vì vắc xin này hoàn toàn không có con vi rút corona nào ở đây cả.
Hiện nay có 3-4 nhóm vắc xin nhưng có có 2 nhóm chính là một nhóm xài vi rút vectơ, là con vi rút rất đặc biệt, đưa vào cơ thể mình thì nó sống đó nhưng mà nó không nhân lên, nên nó không thể gây bệnh cho mình được, nó chỉ hành mình ở giai đoạn nhất định đó thôi. Ví dụ đưa vào 100 con vi rút vectơ thì chỉ đúng 100 con đó thôi, đúng chu kỳ sống của nó thì thôi và sau đó sẽ hết. Vào cơ thể của mình nó sẽ phóng ra một ADN và chui vào tế bào tạo ra protein gai của vi rút corona, rồi sau đó chính cơ thể mình thấy protein gai đó sẽ tạo ra kháng thể.
Loại thứ 2 là dùng công nghệ mRNA hay còn gọi là RNA thông tin, vào cơ thể sẽ kích thích tạo ra kháng thể. Tuỳ theo cấu trúc của RNA thông tin đó mà sẽ tạo ra protein nào. Và nó cũng đưa vào cơ thể mình một lượng nhiêu đó, vào hết thời gian đó rồi thôi. Và cũng sẽ tạo ra protein gai, cơ thể mình thấy protein gai này không phải của cơ thể mình thì sau đó mới tạo ra kháng thể.
Cho nên không có liên quan gì đến vi rút trong họng, tiêm vắc xin vào đi xét nghiệm không ảnh hưởng gì cả. Nếu xét nghiệm âm tính là âm và dương tính là do mình lây chỗ khác chứ không liên quan gì về chích vắc xin và gây lây nhiễm. Nên đừng nghe những thông tin đồn sai mà hoang mang, lo sợ và bàn ra.
|
Hoặc có thể mình sẽ nghe được những thông tin bị trùng hợp. Chẳng hạn một người nào đó chích vào xong mệt rồi xỉu…thì phải tìm hiểu nguyên nhân chính xác. Có thể nếu người đó không chích thì đến giờ đó cũng xỉu, thành ra đừng thấy người ta xỉu mà hỏi lại là hôm qua có chích vắc xin không, như thế là không được mà phải tìm hiểu nguyên nhân chính xác.
Thực tế thì người lớn mình chỉ có 2 nhóm bệnh phổ biến thôi, con nít thì phức tạp hơn, con nít có thể là nhiễm trùng máu, sặc sữa, đột tử mà do không rõ nguyên nhân ở trẻ sơ sinh…còn người lớn của mình là cơ địa được theo dõi thường xuyên lắm rồi, nên chỉ có 2 nhóm bệnh.
Một là tự nhiên nhồi máu cơ tim, tới bữa đó nhồi máu cơ tim mà hôm qua hay hôm kia gì đó có đi tiêm vắc xin, thế là mình đổ thừa là cũng không được. Hai là tai biến mạch máu não có thể do cao huyết áp quá vỡ ra... Thì 2 nhóm này thường thường là phổ biến ở người lớn. Cho nên nếu mình thấy hiện tượng đó, sắp tới đây mình có thể nghe thì mình phải hiểu được là cái đó rất có khả năng nhiều là do trùng hợp.
Như trước đây có bạn nam đó tiêm vào mấy ngày sau đó có tai biến, nhưng rồi mổ ra thì rõ ràng là do dị dạng mạch máu não. Chúng ta phải biết là nếu không chích thì bị dị dạng mạch máu não giờ đó cũng có thể vỡ ra, hoặc cũng có thể mai mốt gì đó vỡ ra mình đâu thể nào biết trước được.
Những nhóm triệu chứng bị hành sau tiêm
Người được tiêm vào sẽ có mấy nhóm như sau: Nhóm thứ nhất là chích vào không thấy gì hết, thì cũng đừng tưởng tượng gì sâu xa. Tại vì có người nó như vậy, chứ không có nghĩa chích xong mà không thấy biểu hiện gì lại tưởng rằng mình không có chút kháng thể nào trong người. Tôi biết có những người chích xong không có biểu hiện gì nhưng thử ra vẫn có kháng thể.
Nhóm thứ 2 chích vào y chang những người khác, tức là 6 tiếng đầu thấy khoẻ phây phây, 6 tiếng sau bắt đầu mệt mỏi, tối hôm đó rêm mình không ngủ được, có khi nhức đầu nhưng vẫn sinh hoạt và đi làm bình thường được. Sau đó khoảng 24 tiếng sẽ hết, thì nhóm này rất là thường gặp, đa số.
Nhóm thứ 3 là có thể bị thật nhưng cũng có thể trí tưởng tượng của các bạn phong phú, cao siêu quá. Chẳng hạn như hôm đó xách đồ gì đó nặng quá, đau khớp, mình không để ý, và chích ngừa vào rồi tưởng tượng là do chích. Nên những người này mô tả triệu chứng sau chích rất đa dạng, nào đau khớp, mệt mỏi…Cũng có thể là do bị thật, nhưng cũng có thể trùng hợp với hoạt động sinh hoạt mà mình không để ý. Nhiều nhất là chỉ giống như mình mà lâu ngày không tập thể thao thì nay tập quá mức, nên rêm người nhưng rồi cũng sẽ hết.
|
Nhóm thứ 4 là cái nhóm mà bị hành thật. Nhóm này thì có người rơi vào nhóm sốt rất cao, có khi sốt đến 39 độ và thậm chí là sốt lạnh run. Có người uống thuốc vào bớt, nhưng có người uống vào vẫn sốt. Thì lúc đó nên uống nước nhiều, uống thuốc đúng theo cử, theo giờ chứ cũng không cần uống nhiều để làm gì. Có người 24 tiếng, có người 36 tiếng sau sẽ hết. Hiếm lắm mới có người 48 tiếng và cũng hiếm lắm mới có người 72 tiếng.
Rồi có nhóm là đau đầu kinh khủng, đau đến mức không chịu nổi. Những lúc đó thì nên đi đo huyết áp, nếu không phải do huyết áp cao thì cứ uống thuốc giảm đau bình thường hoặc uống viên thuốc gì đó cho dễ ngủ chút.
Hoặc có một số người chích vào đau bụng, tiêu chảy dữ lắm. Có người chịu được, từ từ rồi cũng hết, có người bản chất yếu rồi mà ói và tiêu chảy nữa nên không chịu được và vào bệnh viện để chuyền nước, nhưng rồi cũng sẽ hết.
Ai tiêm và ai không tiêm?
Có nhiều người hỏi tôi: “Giờ tôi lớn tuổi rồi, tôi bị bệnh dữ lắm, chích vào có bị hành thêm không, chích vào nếu nó hành nhiều quá sao tôi chịu nổi?”, nhưng nếu càng bệnh dữ mà ổn định thì càng nên chích. Vì như thế là mình đang bị bệnh nền mà bệnh nền nếu nhiễm Covid vào là sẽ nặng. Nên mình đừng có suy nghĩ nhiều về bệnh nền, nếu bệnh nền đó đã uống thuốc và ổn định thì nên chích.
Những người bị cao huyết áp hiện nay vẫn cho chích nhưng chích tại bệnh viện. Tất cả các bệnh như tiểu đường, viêm gan siêu vi mãn tính, mạch vành, cao huyết áp, bệnh suyễn nếu đang ổn định là chích hết sức bình thường. Tôi là người cao huyết áp uống thuốc ngày 2 lần, bị suyễn, và là dân nổi mề đay nhưng tôi vẫn chích bình thường. Dị ứng mức độ 2 mới chưa được chích, nếu mình có dị ứng nhưng bình thường như ăn cái gì bị nổi mề đay thì vẫn chích bình thường.
|
Có rất nhiều người hỏi nếu bị ung thư có chích không? Trong hướng dẫn thì nếu ung thư giai đoạn cuối và đang hoá trị thì không chích, vì thuốc hoá trị làm miễn dịch mình kém đi nên không thể chích được. Nhưng nếu mình đã hoá trị xong xuôi hết rồi, ngưng thuốc lâu, ngưng 5-6 tháng rồi thì chích bình thường. Nên mình đừng có suy nghĩ nhiều về chuyện ung thư.
Rồi có nhiều người hỏi thể trạng yếu quá, chích vào không biết có xỉu không? Thể trạng đó không liên quan đến miễn dịch hay bị hành sau tiêm vắc xin. Có những người tướng như con voi mà chích vào cũng hành, nhưng có người nhìn ốm yếu nhưng chích vào lại khoẻ mạnh như thường.
Nếu đang cho em bé bú, thì hiện nay trên thế giới cho phép chích, nhưng trong hướng dẫn của Việt Nam thì khoan tiêm. Nhưng theo tôi nếu cảm thấy mình có yếu tố nguy cơ thì có thể ngưng bú lại để đi chích. Còn nếu bạn đang có thai thì cho đến hiện nay là không chích. Nhưng nếu chích rồi mới biết có thai thì vẫn không sao, không cần phải can thiệp gì đến cái thai đó, chỉ là mình không tiếp tục chích liều 2 thôi.
Nhiều người hỏi trẻ em sao chưa được chích, thì hiện nay trẻ em dưới 18 tuổi thì chưa chích vì con nít nếu bị nhiễm bệnh sẽ rất nhẹ, hoặc rất ít bệnh. Thậm chí con nít nhiễm bệnh cũng không lây cho người lớn, vì có những em bé bị nhiễm mà mẹ chăm cho nó chỉ mang khẩu trang chứ không cần mặc đồ bảo hộ nhưng cũng không bị lây nữa, cũng rất là lạ, nên hiện nay người ta chưa ưu tiên chích cho con nít.
Nói tóm lại nếu mình là người có bệnh nền đang ổn định thì chích, những người lớn tuổi có nhiều bệnh nền nhưng uống thuốc đã ổn định thì càng nên chích, nếu mình là cái người bị dị ứng nhưng không phải ở mức độ 2 thì chích…Vì hiện nay chỉ có tiêm vắc xin mới giải quyết được dịch Covid-19 đang rất căng thẳng mà thôi.
Bình luận (0)