Bác sĩ vùng biên

05/12/2019 20:33 GMT+7

Nhiều năm bám dân, bám bản khám chữa bệnh miễn phí ở vùng biên giới Việt - Lào, đội ngũ y bác sĩ Trạm quân dân y kết hợp Axan (Quảng Nam) được người dân trìu mến gọi là “bác sĩ của bản làng”.

Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp Axan (xã Axan, H.Tây Giang, Quảng Nam) đã bước sang tuổi thứ 11 với biên chế 10 y bác sĩ, 8 giường bệnh. Không chỉ quy mô “nhỏ gọn”, mà phòng khám còn xa thăm thẳm.
Trung tá Lê Đức Mạnh, bác sĩ chuyên khoa 1, trưởng phòng khám đa khoa, cho hay đường lên biên giới không chỉ xa xôi mà còn gần như tê liệt vào mùa mưa. Ấy vậy mà mọi khâu chăm sóc sức khỏe của bộ đội, bà con nhân dân 4 xã Axan, Gary, Ch’Ơm, Tr’Hy (H.Tây Giang) gần như phụ thuộc hoàn toàn vào phòng khám này.
Trung tá Lê Đức Mạnh tới tận nhà khám cho người bị bệnh nặng

Trung tá Lê Đức Mạnh tới tận nhà khám cho người bị bệnh nặng

Để hiểu người dân muốn gì, phong tục tập quán họ ra sao, trung tá Mạnh cùng các đồng nghiệp tự mày mò học tiếng của đồng bào. Nói được tiếng của đồng bào, đương nhiên chuyện trao đổi, tìm nguyên nhân gây bệnh cũng dễ dàng hơn…
Phòng khám trở thành “địa chỉ” tin cậy của nhiều bệnh nhân. Hai năm trước, chị Pơ Loong Thị Nưới (thôn A Rầng 1, xã Axan) được đưa đến phòng khám trong tình trạng sinh khó, ra máu nhiều, nguy kịch đến tính mạng nhưng lại không thể chuyển lên tuyến trên do đường xa, sức khỏe bệnh nhân yếu. Các y bác sĩ vừa động viên tinh thần, vừa trợ sức cho sản phụ. Và rồi cậu bé 3,5 kg đã cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui khôn tả của mọi người xung quanh.

Con của bản

Nhiều vụ tự tử bằng lá ngón cũng được cứu chữa kịp. “Người dân ở những bản làng giáp biên giới đau ốm thường nhờ cậy vào thầy cúng mà không chịu đến bệnh viện. Nhiều cái chết thương tâm đã xảy ra. Ở đây, chúng tôi không chỉ làm trách nhiệm của một bác sĩ mà còn tuyên truyền cho người dân hiểu về tác hại của việc tự điều trị ở nhà hoặc nhờ vào thầy cúng”, trung tá Mạnh nói.
Ông A Lăng Tơơnh (80 tuổi, ở thôn A Rầng 1) không giấu chuyện lâu nay người dân vùng biên hay “dựa” vào thầy cúng mỗi khi đau ốm, vừa tốn kém vừa… không chắc có thể chữa khỏi. Từ khi các bác sĩ ở phòng khám Axan cứu được nhiều ca bệnh khó, người dân trong bản đã dần tin vào việc điều trị bằng thuốc. Giờ đây, ai đau ốm đều tự giác tìm đến để các y bác sĩ khám bệnh. “Dân bản luôn tin yêu các bác sĩ, không tin vào thầy cúng nữa. Chúng tôi xem họ như những đứa con của bản làng này”, ông Tơơnh nói.
Thượng tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, cho hay từ hiệu quả của mô hình trạm quân dân y kết hợp ở Axan, một số mô hình trạm quân dân kết hợp đã được thành lập ở các huyện miền núi Quảng Nam, góp phần cùng với ngành y tế, chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn cho đồng bào và người dân nơi vùng cao biên giới. Ngay cả việc y bác sĩ VN khám chữa bệnh cho người Lào cũng không dừng ở yếu tố nhân đạo, mà qua đó còn thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa nhân dân 2 nước Việt - Lào, góp phần giữ vững biên giới hòa bình hữu nghị.

Y bác sĩ chia sẻ suất ăn cho bệnh nhân Lào

Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các xã vùng cao H.Tây Giang (Quảng Nam), Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp Axan còn tiếp nhận hàng nghìn lượt khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho người dân ở các bản giáp biên của cụm Tà Vàng (H.Kà Lừm, Sê Kông, Lào).
Do đường về trung tâm H.Kà Lừm mất đến mấy ngày đường, nên mỗi khi ốm đau người dân ở cụm Tà Vàng lại ngược sang phòng khám Axan để chữa bệnh.
“Nhiều trường hợp người bị bệnh đến khám, phải ở lại điều trị nhưng không có anh em họ hàng chăm sóc, các y bác sĩ lại bớt khẩu phần ăn của mình để chia sẻ”, trung tá Lê Đức Mạnh tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.