Như Báo Thanh Niên đã thông tin, Ban giám đốc Bệnh viện đa khoa H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế và bác sĩ trực tiếp điều trị đã đến gia đình bé P.T.G.B (3 tuổi, trú ở tổ dân phố An Cư Tây, TT.Lăng Cô, H.Phú Lộc) để phúng điếu, chia buồn và xin lỗi bố mẹ, người thân của bé khi để bé mất trong một tình huống hết sức đột ngột, ngoài tiên liệu của bác sĩ.
tin liên quan
Bác sĩ, ban giám đốc bệnh viện xin lỗi gia đình bé trai tử vongCụ thể, khoảng 16 giờ 20 ngày 1.5, bé B. nhập viện Bệnh viện đa khoa Phú Lộc cấp cứu với triệu chứng sốt 39,50C, viêm đường ruột, rối loạn tiêu hóa. Bé B. được nhập vào khoa Truyền nhiễm và được một bác sĩ chuyên khoa 1 của bệnh viện trực tiếp thăm khám, điều trị. Đến khoảng 3 giờ 30 sáng 2.5, bé B. đột ngột chuyển biến xấu, trụy mạch và nhân viên y tế nơi đây không thể tìm thấy vein để can thiệp. Sau đó, bé B. được bệnh viện chuyển lên tuyến trên là Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế để cấp cứu, nhưng không qua khỏi.
Liên quan đến sự việc trên, chúng tôi đã tìm gặp một trong những chuyên gia hàng đầu về Nhi khoa ở Huế, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Kiều Nhi, nguyên Phó chủ nhiệm bộ môn Nhi, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Kiều Nhi nhận định: với những gì diễn ra, rất có thể bé B. đã mắc phải bệnh “sốt kém dung nạp (intolerant fever)”, mà Enterovirus là một trong những nguyên nhân gây tình trạng này.
“Đọc qua triệu chứng của bé mặc dù không đầy đủ nhưng có thể nhận định bước đầu, với dịch tễ bệnh trẻ em mùa này do Enterovirus (vi rút ruột) triệu chứng giống bệnh Tay - chân - miệng mà không do các chủng này mà do chủng khác vẫn thuộc họ Enterovirus (tập hợp mẹ) có thể biến chứng viêm cơ tim tiến triển nặng nhanh trên lâm sàng. Một bác sĩ chuyên khoa cấp 1 nhi khoa chưa được học về mô hình bệnh tật các rối loạn tiêu hóa khả năng do Enterovirus thì thật khó để phát hiện. Khi viêm cơ tim xảy ra nếu bé đang nằm điều trị ở tuyến trên có khi cũng không cấp cứu kịp. Có biết mới chủ động phát hiện sớm. Bác sĩ mà đã không biết thì không thể phát hiện sớm được nên dẫu biết là thương đau, nhưng mình nghĩ gia đình cũng như chúng ta cần có sự cảm thông về sự cố này”, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Kiều Nhi bày tỏ.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Kiều Nhi chia sẻ, nếu tiếp nhận tại bệnh viện trong đêm một bé mà sốt từ hơn hoặc bằng 39 độ, nôn, phân nhầy lỏng, cân nặng thấp so với tuổi, cần chủ động truyền dịch với dung dịch Glucose 10% và Ringerlactat mà không nên phát thuốc uống đơn thuần.
“Mục đích gắn hai bình truyền song song vì trẻ nôn nên cần chút đường, chút điện giải. Hạ sốt bằng đường tĩnh mạch. Đặt được đường truyền tĩnh mạch rồi nếu bé có biến chuyển gì liên quan đến giảm tưới máu ngoại vi vì sốt không dung nạp hoặc ảnh hưởng đến chức năng cơ tim cũng không có gì đáng lo. Bệnh vi rút bản chất chỉ điều trị triệu chứng chờ hồi phục. Nếu chủ quan chỉ cho uống đến lúc giảm máu tưới ngoại vi dẫn đến trụy mạch thì nếu có lấy được đường tĩnh mạch tình trạng trụy mạch mất bù cũng không đáp ứng dịch truyền, huống gì mạch đã trụy làm sao điều dưỡng tuyến dưới có thể lấy được vein. Lúc tình trạng trẻ đã suy đa tạng thì mọi cơ quan đều suy nên trụy mạch, tím đen, hạ đường máu..., nhất là khi vượt hàng chục km đường vận chuyển từ huyện lên thành phố thì tình huống xấu nhất xảy ra với bệnh nhi là điêu tất yếu”, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Kiều Nhi cho biết.
Mong bệnh viện chấn chỉnh, không để xảy ra đau thương tương tự
Trao đổi với Thanh Niên, anh Phạm Thanh, bố của bé P.T.G.B, cho biết gia đình đã nhận được lời xin lỗi và thái độ cầu thị của Ban giám đốc cũng như bác sĩ điều trị Bệnh viện đa khoa H.Phú Lộc sau cái chết của con anh. “Cái chết của con tôi khá oan uổng, nhưng bệnh viện, bác sĩ đã nhận lỗi. Chúng tôi không phải muốn bồi thường vật chất chi cả, chỉ muốn bệnh viện chấn chỉnh, rút ra bài học sâu sắc để phục vụ bệnh nhân tốt hơn, đừng để xảy ra thêm thương đau tương tự như con tôi”, anh Thanh nói |
Bình luận (0)