Trong đêm nhạc nhằm tôn vinh những nghệ sĩ đờn ca tài tử của Sô diễn cuộc đời, khán giả được thưởng thức các tiết mục đặc sắc đến từ 5 thầy đờn với 5 loại nhạc cụ khác nhau. Thầy Đặng Thanh Sử với đàn tranh, thầy Tạ Ngọc Sang với đàn kìm, thầy Nguyễn Hoàng Trắng với đàn violin, thầy Trần Thanh Xuân với đàn guitar và thầy Huỳnh Hoàng Phỉ với đàn bầu. Họ là những nghệ sĩ ưu tú có tuổi nghề từ 20-30 năm và đều đang hoạt động tại nhà hát Cao Văn Lầu - một trong những nhà hát mang tính biểu tượng của TP. Bạc Liêu.
|
Bên cạnh ban nhạc kỳ cựu, chương trình còn có sự xuất hiện của NSƯT Mỹ Hạnh. Các tiết mục tân cổ đặc sắc sẽ được tái hiện trong đêm nhạc đặc biệt này.
Với bề dày lịch sử hơn 100 năm, đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa đại diện cho nhân loại và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế vào năm 2013. Đây cũng là di sản văn hóa phi vật thể thứ 8 của Việt Nam được UNESCO công nhận (cùng với: nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù, hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, hát xoan, tín ngưỡng thờ cùng Hùng Vương ở Phú Thọ, dân ca ví giặm Hà Tĩnh, nghi lễ và trò chơi kéo co, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, nghệ thuật bài chòi Trung bộ, thực hành Then của người Tày, Nùng và Thái ở Việt Nam).
|
Đờn ca tài tử thường được chơi theo hình thức song tấu, tam tấu hoặc hòa tấu. Nhạc cụ chính được dùng để biểu diễn đờn ca gồm 4 loại: đàn tranh, đàn kìm, đàn cò và đàn bầu. Sau này, các thầy đờn kết hợp thêm đàn tỳ bà, đàn tam (hoặc đàn sến, đàn độc huyền), đàn guitar, đàn violin… để tạo nên tính đa dạng cho từng tiết mục. Sự cải biên này đã đem lại nét mới mẻ cũng như giúp nghệ thuật đờn ca tài tử trở nên phong phú, hấp dẫn hơn.
Sô diễn cuộc đời số đặc biệt nhằm tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử được phát sóng lúc 20 giờ 35 ngày 17.3 trên kênh HTV7.
Bình luận (0)