Bệnh viện "tự lo" hơn là "tự chủ"
Ngày 2.11, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học "Đổi mới toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
TS Phan Tiến Ngọc |
HCMA.vn |
Tham luận tại hội thảo, tiến sĩ Phan Tiến Ngọc, Phó chánh văn phòng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Phan, cho rằng cơ chế đối với các đơn vị sự nghiệp công vừa qua mới là “tự lo" hơn là "tự chủ”.
Theo ông, đây là vấn đề cần suy xét cho thấu đáo. Bởi thiết kế chính sách mà chỉ bàn tự lo, tự đi kiếm thu nhập thì tự nhiên biến một nhà khoa học, một ông hiệu trưởng trường đại học, một ông giám đốc bệnh viện thành một nhà doanh nghiệp. Như vậy họ chỉ lo cơm áo, gạo tiền cho hàng nghìn người mà quên mất rằng chức năng là nhà khoa học, bác sĩ.
“Cách đây 4 - 5 năm cũng trong hội thảo bàn về vấn đề này. Chúng tôi đã nói nếu chúng ta thiết kế cơ chế này thì sau một số năm sẽ có một số giám đốc bệnh viện, những hiệu trưởng trường đại học phải đi tù vì cơ chế này”, ông Ngọc chia sẻ.
Ngoài ra, ông Ngọc cũng băn khoăn về sự mâu thuẫn trong chính sách tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công hiện nay. Một mặt khẳng định đây là dịch vụ công thiết yếu cung cấp hàng hóa thiết yếu cho nhân dân. Mặt khác lại yêu cầu phải tự lo, cổ phần hóa. Trong khi 2 sứ mệnh này khác nhau.
Do đó, ông đề nghị không nên thiết kế cơ chế đơn vị sự nghiệp công lập như doanh nghiệp. Vì tự chủ cấp độ mấy thì họ vẫn phải cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho nhân dân.
Trong cung cấp dịch vụ công, có những thứ tư nhân làm được, làm tốt thì để tư nhân làm. Nhà nước làm những thứ tư nhân không làm hoặc không thể làm được.
Nói về việc định giá trong đơn vị sự nghiệp công, ông Ngọc cũng nêu mâu thuẫn khi một mặt kêu giá theo thị trường, một mặt nhà nước ban hành biểu giá như lĩnh vực y tế.
“Những bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cung cấp dịch vụ chất lượng cao và nghiên cứu khoa học để chuyển giao cho các bệnh viện cấp dưới. Nhưng vì tự chủ, tự lo họ phải “vơ bèo gạt tép”, phải đi khám những bệnh thông thường mà ở tuyến khác có thể khám được”, ông phân tích.
Trong khi nhà nước mới đầu tư nhiều nghìn tỉ vào các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh thì lại bỏ tiền ra đầu tư 2 bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai ở Hà Nam mà nếu đưa vào hoạt động thì toàn bộ tuyến bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh gần như là chết.
“Đây là cái thất bại trong quá trình tự chủ và chúng ta nên nhìn thẳng thắn vào thất bại này”, ông Ngọc nêu và kiến nghị đổi mới cơ chế, tư duy, để đơn vị sự nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
"Nhà nước chỉ kiểm tra, đánh giá không nên can thiệp thô bạo bằng mệnh lệnh hành chính”, ông Ngọc nhấn mạnh, nếu không làm được điều này thì các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn luẩn quẩn “tự lo tài chính” chứ không phải “tự chủ”.
Ông đề nghị cần thiết có luật về cung cấp dịch vụ công hoặc đơn vị sự nghiệp công điều chỉnh không để đơn vị sự nghiệp công lập điều chỉnh theo luật Doanh nghiệp.
Đổi mới phương thức cấp phát ngân sách, trao quyền tự chủ
Ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ, cũng thừa nhận vấn đề tự chủ đang còn là hạn chế.
Ông Vũ Hải Nam phát biểu tại hội thảo |
gia hân |
Theo ông Nam, thời gian tới, việc thực hiện cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế sẽ tập trung vào khối khám chữa bệnh theo định hướng chuyển toàn bộ số người hưởng lương từ ngân sách sang tự chủ đơn vị sự nghiệp. Đồng thời tiếp tục định giá dịch vụ y tế theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ và có cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho những người khó khăn.
Với khối giáo dục thực hiện theo hướng xây dựng định mức xác định phí, giá đối với một học sinh theo vùng miền để làm cơ sở phân cấp, bố trí ngân sách. Hiện nay bố trí ngân sách theo số biên chế.
Ông Nam cho rằng để khắc phục những bất cập hiện nay không còn cách nào khác là thay đổi phương thức cấp phát ngân sách, trao quyền tự chủ cho nhà trường.
Vì vậy, trong thời gian tới sẽ hoàn thiện các quy định, trong đó có quy định ký hợp đồng làm chuyên môn nghiệp vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Phải đẩy mạnh việc xác định giá, phí với các đơn vị sự nghiệp công lập để đổi mới phương thức cấp phát ngân sách từ dự toán sang theo đặt hàng và giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp.
Cùng đó, các đơn vị phải xây dựng đề án tự chủ, cơ quan chủ quản xác định được sứ mệnh, vai trò, nhiệm vụ, đường hướng phát triển của đơn vị để có lộ trình tính đủ với từng loại dịch vụ.
Phó thủ tướng: 'Ở ta nếu ngân sách còn lo thì không có tự chủ'
Bình luận (0)