Cụ thể, Thông tư số 12 bãi bỏ toàn bộ 3 thông tư do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành trong lĩnh vực giáo dục gồm: Thông tư số 10 năm 2014 ban hành Quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài; Thông tư số 28 năm 2014 quy định về việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục và Thông tư số 34 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài.
Học tập ở nước ngoài sẽ thực hiện theo văn bản nào?
Theo đó, thông tư ban hành Quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài bị bãi bỏ, có nội dung quy định về quyền lợi trách nhiệm của học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh và người theo học các khóa đào tạo, bồi dưỡng liên tục từ 6 tháng trở lên và những quy định về khen thưởng, xử lý vi phạm đối với những lưu học sinh này.
Hiện nay, mọi quy định liên quan đến công dân học tập ở nước ngoài đã được quy định cụ thể và đầy đủ tại Nghị định của Chính phủ Quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật được ban hành vào tháng 9.2021.
Nghị định này cho biết du học sinh nhận học bổng ngân sách nhà nước sẽ được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bảo hộ quyền lãnh sự, bảo vệ quyền lợi chính đáng trong thời gian học tập. Bên cạnh đó được hưởng toàn bộ hay một phần chi phí đào tạo, đi lại, sinh hoạt phí...
Đồng thời, trách nhiệm của du học sinh là không được tự ý bỏ học, thực hiện đúng quy định về thời gian, trình độ đào tạo, ngành học...
Nghị định này còn quy định quyền và trách nhiệm của du học sinh học bổng khác, du học sinh tự túc, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật...
Rà soát lại việc cấp chứng chỉ nghiệp vụ quản lý giáo dục
Bên cạnh đó, thông tư quy định về việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục vừa bị bãi bỏ, có các nội dung về điều kiện, thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục giao nhiệm vụ bồi dưỡng; tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, xếp loại, cấp chứng chỉ bồi dưỡng.
Thông tư này thực hiện đối với các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục ĐH có khoa, ngành quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục, cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp; cán bộ quản lý khoa, phòng cơ sở giáo dục ĐH; cán bộ quản lý sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT...
Vào ngày 7.6.2022, Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành Quyết định số 1496 về việc dừng bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, cụ thể dừng việc tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục theo các chương trình bồi dưỡng ban hành tại quyết định số 382 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đồng thời chấm dứt hiệu lực các quyết định của Bộ GD-ĐT về giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ quản lý giáo dục. Đối với các khóa bồi dưỡng đã tuyển sinh trước ngày 7.6.2022 thì các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc khóa học.
Theo PGS-TS Huỳnh Bùi Linh Chi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đồng Nai (một trong những trường đào tạo và cấp chứng chỉ quản lý giáo dục), việc Bộ GD-ĐT có quyết định dừng bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục là để đổi chương trình mới.
"Hiện chỉ có văn bản mới nhất về việc này do Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) gửi các trường vào tháng 3.2023, yêu cầu các trường rà soát việc thực hiện công tác bồi dưỡng theo các chương trình do Bộ ban hành từ năm 2017 đến 2022 và báo cáo gửi về cục. Qua đó cục sẽ lập danh sách các đơn vị tương ứng với từng chương trình bồi dưỡng đưa lên trang web của bộ", PGS-TS Linh Chi chia sẻ.
Như vậy, theo thông tư Bộ GD-ĐT vừa ban hành thì kể từ ngày 31.7, tất cả những nội dung liên quan tới quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài và quy định về việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục đều bị bãi bỏ.
Bình luận (0)