Trong các ngày 13 và 14.1, tại TP.Quy Nhơn, Học viện Âm nhạc quốc gia VN (thuộc Viện Âm nhạc) phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định tổ chức hội thảo quốc tế Nghệ thuật bài chòi dân gian VN và những hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới.
Biểu diễn bài chòi chiếu tại TP.Quy Nhơn - Ảnh: Hoàng Trọng
|
Đây là một trong những hoạt động quan trọng của quá trình xây dựng hồ sơ quốc gia về bài chòi dân gian VN trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Trình bày tại hội thảo, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Ebsjorn Watermark (Thụy Điển) cho rằng tuồng và cải lương có ảnh hưởng đến hình thức bài chòi ngày nay. Tuồng có sự dứt khoát, âm thanh sôi nổi của kèn và trống trong khi cải lương là tiếng tưng tưng của đàn guitar điện, tiếng đanh của nhịp đập song lang, giọng hát ngọt ngào gần gũi của điệu vọng cổ. Âm thanh của bài chòi được vào bằng giai điệu và nhịp điệu hơn là lời ca.
Còn GS-TS Trần Quang Hải, chuyên gia về âm nhạc châu Á, cho biết nghệ nhân độc diễn dùng 4 làn điệu căn bản: xuân nữ, cổ bản, xàng xê, hồ quảng. Kỹ thuật hát không chú trọng nhiều về chất giọng vì không phải dày công luyện tập, điều quan trọng với nghệ nhân hô - hát bài chòi là thuộc nhiều ca dao, thơ và có óc sáng tạo ứng tác tại chỗ với sự hài hước.
Nhận xét về bài chòi, GS-TS Yves Defrance (Pháp), nhìn nhận bài chòi có nhiều nét tương đồng với nghệ thuật truyền thống âsiklik của những người hát thơ cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Những người hát thơ cổ này sử dụng những đoạn thơ kể mà ở đó họ đưa những phần ngẫu hứng dựa trên những câu chuyện truyền thống và hài hước. Sự độc diễn trong bài chòi cũng có điểm chung với loại hình truyền thống pansori - nghệ thuật hát kể độc diễn của Hàn Quốc…
“Những người trình diễn là những nghệ sĩ không chuyên của địa phương và dường như không tập luyện lâu dài trước khi biểu diễn. Khi họ có chuyên môn, có kỹ năng truyền thống, có sự hiểu biết thì thể loại nghệ thuật này được trao truyền bất tử”, GS-TS Yves Defrance nhận định.
Bình luận (0)