Nhưng rồi trước những hình ảnh bệnh tật nặng lòng mà tôi chứng kiến, cũng như hình ảnh đẹp của các y, bác sĩ trẻ trong màu áo xanh tình nguyện mà tôi có dịp tham gia cận kề đã nâng bước tôi đến với chiếc áo blouse, đến với những người “Thầy” đáng kính đáng yêu.
Có thể nói người “Thầy” đáng kính đầu tiên với tôi chính là những “Người Thầy thầm lặng” (những người tình nguyện hiến xác cho khoa học) mà ngay từ năm 1 chúng tôi đã được tiếp cận. Họ, dù không tên không tuổi, vô giác vô tri nhưng đã mang đến cho chúng tôi những tiết học đọng đầy cảm xúc, khó quên, gởi đến chúng tôi vô vàn kiến thức, vô vàn những bài học về chuyên môn cũng như đạo lí, tình người. Nghĩa cử đó có lẽ không đền đáp hết qua ngày Lễ macchabée mà chất chứa mãi trong trái tim tôi.
Người “Thầy” kế đến với tôi không ai khác là những bệnh nhân thân thương qua những tháng ngày thực tập. Đã 5 năm trôi qua, tôi vẫn không quên ánh mắt vừa đau đớn, vừa như giận hờn, trách móc rồi thương hại, bao dung của bác bệnh nhân ốm yếu.
Hôm ấy, thực tập môn điều dưỡng và cả 2 mũi tiêm của tôi đều trật ven, tôi khóc và dường như bác bệnh nhân cũng khóc. Cái đau làm bác ấy không muốn hợp tác, còn với tôi là một cảm giác đầy tội lỗi, nặng nề và bất lực. Tôi áp bàn tay vào vết đau của bác ấp úng: “Con xin lỗi bác, xin lỗi…”. Giọng bác hiền từ: “Bây có lỗi gì đâu, bây mới học mà, làm lại đi con, từ từ thôi”. Không biết vì muốn chuộc lỗi hay “trời thương” mà mũi thứ ba thành công. Tôi lại khóc, khóc vì niềm vui hiện rõ trên đôi mắt “người Thầy bệnh nhân già yếu”.
Với sinh viên y khoa, thực tập lâm sàng là giai đoạn vô cùng quan trọng. Sự hợp tác của bệnh nhân là những bài học sinh động và thiết thực nhất mà không sách vở, thầy cô nào truyền đạt tốt hơn.
Gần 6 năm tiếp cận bệnh nhân, tôi cảm nhận hầu hết đều “mở lòng” với sinh viên. Họ kể từng chi tiết bệnh, thương cảm, sẻ chia cả những khó khăn, chuyện nhà, đời tư… Tất nhiên đôi lúc cũng có người khó tính như lần tôi tiếp cận một bệnh nhân nữ lớn tuổi. Biết tôi là sinh viên thực tập, bà không muốn trả lời và miễn cưỡng cho tôi khám tim, đo huyết áp.
Chồng bà còn nói thẳng: “Bác sĩ hỏi có mấy câu vài phút, còn mấy cô hỏi nhiều lâu quá”. Tôi lại khóc, thì thầm: “Bác thông cảm”. Bỗng cụ ông nằm giường kế bên ngồi dậy nói: “Tụi nó là sinh viên mà, so với bác sĩ sao được. Bác sĩ bây giờ, ngày trước cũng như tụi nó thôi. Mình không giúp tụi nó thì làm sao có tre già măng mọc, có lứa bác sĩ trị bệnh cho con cháu tụi mình”. Câu nói của cụ làm tôi ấm lòng, nhưng vui sướng hơn là từ lời “hiệu triệu” đó mà bác bệnh nhân khó tính trở nên dễ gần. Qua bài viết này, tôi muốn gởi đến “vị ân nhân” của tôi hôm ấy hai tiếng cảm ơn chân thật muộn màng.
Không chỉ về chuyên môn mà những người “Thầy” bệnh nhân cũng mang đến cho tôi nhiều bài học sâu sắc về đạo lí, tình người. Đó là những hình ảnh yêu thương, chăm sóc cho nhau trong tình nghĩa cha mẹ, con cái, vợ chồng… rồi tình bạn, thậm chí là… người dưng. Không khó bắt gặp cảnh người bệnh cùng phòng chăm sóc cho nhau, đỡ đần từ chén cơm, bát nước. Tôi nhớ lần đó ở Bệnh viện Chợ Rẫy có bác bệnh nhân quê miền Tây dáng người nông dân nghèo khó ngày nào cũng dùng cơm cháo từ thiện. Ngày xuất viện, bác dốc hết túi, chừa đủ tiền xe về quê, còn lại hơn 300 ngàn gởi cho anh thanh niên bị tai nạn giao thông nằm cùng phòng. Bác nói: “Tao nghèo gặp mày còn khổ hơn, thôi cầm chút đỉnh ở lại trị bệnh nhe con”. Tôi lại thầm khóc vì một bài học tình người!
Với các thầy cô, điều tôi muốn nói trước tiên là tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, hết mình trong công tác giảng dạy. Chân tình mà nghiêm khắc thể hiện qua từng con điểm, từ cái chấm đậu đánh rớt. Đặc biệt, bản năng nghề nghiệp đặc thù đậm tính nhân văn, nhân đạo nên “không có chỗ” cho những tị hiềm, toan tính riêng tư. Họ chia sẻ, truyền đạt bằng tất cả tấm lòng, nghĩa cử, nâng từng bước đi của thế hệ tương lai làm niềm hạnh phúc đạo làm thầy, cùng hướng về sức khỏe của giống nòi, dân tộc. Chính những tố chất đó khiến tôi yêu hơn con đường mình đã chọn.
Tôi sắp ra trường, sắp trở thành bác sĩ. Tôi không chắc mình sẽ thành một bác sĩ giỏi nhưng tôi tin mình sẽ làm tốt “bài học” của những người Thầy đáng kính đáng yêu.
Mời bạn đọc viết bài tham dự cuộc thi “Khoảnh khắc nghề y” do Báo Thanh Niên phối hợp với công ty Media One Sài Gòn tổ chức với tổng giải thưởng lên tới 28 triệu đồng. Bài dự thi xin gửi về Báo Thanh Niên, số 268 – 270 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP.HCM hoặc qua email: [email protected]. Cuộc thi là nơi để bạn đọc bày tỏ tình cảm, kỉ niệm tốt đẹp với đội ngũ y bác sĩ, những người tận tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người. Đây cũng là dịp để cán bộ trong ngành bày tỏ tâm tư, tình cảm, những khoảnh khắc không thể nào quên trong nghề.
|
Bình luận (0)