Bài dự thi: Tri ân những tấm lòng thầy thuốc

22/11/2013 06:00 GMT+7

Tôi lại về thăm nhà trong một sáng giao mùa cuối tuần. Không gian vặn mình trăn trở, cái nắng như còn nuối tiếc sự gắt gao, nóng bỏng của mùa hè, cơn gió lại dè dặt mở ra cho chút heo may nhẹ len vào từng hơi thở. Mùa thu về cho những hoài niệm trong tôi trỗi dậy. Cùng gia đình lần giở lại cuốn album, từng kỷ vật của bố, những câu chuyện về cuộc đời bố được nhắc lại không phải lần đầu tiên nhưng lần nào nghe chúng tôi cũng nghẹn ngào nước mắt.

 Bài dự thi: Tri ân những tấm lòng thầy thuốc
Ảnh bố mẹ tôi ngày trước - Ảnh: H.T.L

Bố tôi là bộ đội, ông có 23 năm tuổi quân, 45 năm tuổi Đảng. Bôn ba khắp các chiến trường miền Nam, biên giới Lào, Campuchia. Sức ép chiến trường cùng những năm tháng gian khó, bị địch bắt đã lấy đi của bố tôi sức khỏe và tuổi trẻ. Ngày tôi biết nhớ là ngày tôi bắt đầu biết bố tôi uống thuốc mỗi ngày nhiều hơn ăn cơm. Bố tôi yếu lắm, tới bệnh viện đến nỗi thành khách quen, chỉ cần thấy bố là các bác sĩ đã có thể làm bệnh án mà không cần hỏi người nhà. Nhưng cơn bạo bệnh đỉnh điểm đầu tiên mà chúng tôi tưởng mình đã mồ côi là cách đây 18 năm. Năm 1995, bố tôi trở bệnh nặng, bệnh viện tỉnh lắc đầu, gia đình tôi bán từng mảnh ruộng xin cho bố ra Hà Nội. Bệnh viện nhà nước tuyến cao nhất cho hưởng bảo hiểm y tế khi đó là Bệnh viện Bạch Mai. Bố tôi nhập Khoa Hô hấp. Khi ấy tôi mới 9 tuổi nhưng tôi biết rằng bố tôi bệnh nặng lắm. Mẹ tôi bán hết thóc gạo, khoai sắn trong nhà, gọi người bán cả ruộng lúa non. Mẹ ra Hà Nội, một tuần mẹ lại về, mỗi lần mẹ về là bán thêm ổ gà ấp, con lợn sề già, đàn chó mới mở mắt...

Bố tôi nằm viện gần một tháng. Tôi nghe trong câu chuyện người lớn nói rằng bố tôi bị tràn dịch màng phổi hai bên, vôi hóa thùy phổi và cuống phổi. Một ngày tôi thấy mẹ trở về, mẹ gọi bà nội, hai cô, anh chị nhà tôi lại và nói rằng bố tôi bệnh nặng quá. Bệnh viện họ cũng không dám chắc điều gì, sức khỏe của bố lại quá yếu rồi. Lần này có một đoàn chuyên gia Pháp sang Việt Nam làm việc, thử nghiệm phương pháp điều trị mới là đốt tia laser. Bệnh của bố tôi nếu không được chữa khỏi sẽ chỉ sống được vài tháng, nhưng nếu làm thử nghiệm thất bại thì sẽ chết ngay lúc ấy. Các cô tôi khóc nhiều lắm, còn bà nội tôi lại nói, đằng nào cũng phải chết, cái nào có cơ hội nhiều hơn thì làm. Vậy là nhà tôi bán nốt mấy mảnh ruộng và cái ao nhỏ trước nhà, vét đến đồng bạc cuối cùng để ra Hà Nội cho bố tôi trị bệnh. Lúc đó tôi cũng không biết là mổ hay là người ta làm thế nào nhưng bố tôi sau đó nhanh chóng khỏe lại. Hai tháng kể từ lúc nhập viện, bố được về nhà. Nụ cười rạng rỡ, bố luôn miệng nói với bà con hàng xóm, đồng đội đến thăm rằng: “May mắn gặp được đoàn chuyên gia người Pháp ấy, cùng với sự nhiệt tình chăm sóc, giúp đỡ, tạo điều kiện của các y, bác sĩ Khoa Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai mà tôi đã từ cõi chết trở về”.

Câu chuyện ấy cùng với lời cảm tạ sâu sắc được bố tôi nhắc đi nhắc lại cho đến cuối đời. Ngày bố bạo bệnh, biết mình khó qua khỏi, ông vẫn nhắc lại: “Nếu không có các anh chị ở Bạch Mai thì lẽ ra bố chết cách đây 18 năm rồi, các con đừng đau buồn quá. Ai cũng phải chết, bố chỉ ân hận là không được gặp lại các anh chị ấy để nói lần cuối lời cảm ơn, tạm biệt họ mà thôi”. Ngày hôm nay bố tôi đã về bên kia thế giới, lời tiếc nuối ấy của ông, tôi thay mặt gia đình gửi qua trang viết này. Xin được cảm ơn chân thành các cô chú y, bác sĩ trong Khoa Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai. Kính chúc các cô chú giàu sức khỏe, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cứu chữa, chăm sóc sức khỏe nhân dân - xứng đáng với câu nói “lương y như từ mẫu”.

 

Nhằm khuyến khích mọi người tỏ lòng tri ân đến các y, bác sĩ đã chăm sóc và giúp bạn, người thân vượt qua bệnh tật, Bệnh viện FV tổ chức chương trình chia sẻ mang tên “Câu chuyện của bạn” từ 7.10.2013 đến 29.12.2013 với tổng giá trị giải thưởng 47 triệu đồng. Bài viết tham gia bằng tiếng Việt, từ 500 - 1.500 chữ, gửi về website: http://viban.fvhospital.com hoặc email:[email protected]. Thông tin thêm vui lòng truy cập http://viban.fvhospital.com hoặc đường dây nóng: 0949646349.


Hoàng Thị Lành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.