Bài hát 'Yêu anh đi mẹ anh bán bánh mì' có gì hay mà nhiều người phấn khích?

18/03/2023 13:55 GMT+7

Hình ảnh về người mẹ bán bánh mì trong một bài hát khiến nhiều người không khỏi rưng rưng. Nhân vật trong bài hát đã mượn lời tỏ tình một cô gái để bày tỏ tình cảm chân thành dành cho mẹ.

Sau 1 tháng ra mắt, ca khúc “Yêu anh đi mẹ anh bán bánh mì” của Phúc Du đạt hơn 3 triệu lượt xem trên YouTube. Phúc Du viết ca khúc dựa trên hình ảnh người mẹ nuôi lớn anh nhờ một xe bán bánh mì tại Hà Nội. Nam rapper thể hiện sự tự hào và trân trọng công việc của mẹ qua phần lời: “Mẹ anh thì cũng là sếp, nhưng mà là xếp bánh mì. Để bán hàng mỗi buổi sáng, sau cái quầy bên bếp nhỏ”.

Từ hình ảnh người mẹ bán bánh mì: “Tự hào về nghề nghiệp ba mẹ” - Ảnh 1.

Trân quý công việc của ba mẹ dù họ làm bất kể nghề nghiệp gì

Phúc Kha

Đặc biệt, câu rap: “Hãy để con trai bà bán bánh bánh bánh mì. Lo lo lo cho em. Đừng lo lo lo lo gì. Ngoài lo lo lo lo ve” bạn trẻ chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Những câu từ khi nói về hoàn cảnh của một gia đình lao động trong bài hát đã chạm tới cảm xúc của nhiều người. 

“Mình rất ngưỡng mộ công việc của ba mẹ. Ba mẹ đi làm nghề đánh bắt cá trên sông hơn 20 năm. Để có những con cá, con tôm bán cho thương lái, ba mẹ mình thường đi làm từ lúc khoảng 20 giờ, đến khoảng 4 giờ sáng mới về. Đêm thức trắng lại thêm quần áo ướt đẫm. Cũng nhờ ba mẹ bươn chải bao năm mà giờ có nhà, có xe và có cả mình nữa. Mình chẳng việc gì phải xấu hổ, không dám kể về công việc của ba mẹ, chỉ cần lương thiện, lo được cho con cái là hạnh phúc rồi”, Trần Minh Phúc, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chia sẻ. 

Từ hình ảnh người mẹ bán bánh mì: “Tự hào về nghề nghiệp ba mẹ” - Ảnh 2.

Đối với Nguyễn Lê Ngọc Phúc (24 tuổi), đang trọ tại chung cư The East Gate, P. Đông Hòa, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương nghề nào cũng giá trị riêng của nó chẳng có nghề nào là thấp hèn cả. Cha mẹ có làm nghề gì, cũng đang hàng ngày miệt mài lao động bằng chính sức lực của mình để lo cho gia đình. 

Ngọc Phúc bày tỏ: “Để lo cho gia đình, mẹ mình phải thức khuya dậy sớm để nấu hủ tiếu, bún riêu bán cho học sinh. Ngày nào cũng như thế, mẹ quần quật với việc buôn bán. Mẹ không dám nghỉ bán, nghỉ ngơi một ngày. Công việc của mẹ là nguồn thu chính để trang trải chi tiêu vào lo học phí cho mình trong suốt những năm đến trường”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề nông, ba mẹ là những người nông dân chăm chỉ cần mẫn quanh năm gắn bó với ruộng vườn, Nguyễn Thị Thùy Linh, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, luôn cảm thấy tự hào về nghề nghiệp của ba mẹ. Thùy Linh bày tỏ: “Ba mẹ vất vả lắm, sớm tối quanh quẩn ruộng vườn, ăn cơm cũng chỉ chớp nhoáng rồi lại đi. Nắng như đổ lửa vẫn lao ra đồng mồ hôi chảy ướt áo, mặn chát trong miệng, cay xè khóe mắt, mưa tầm tã vẫn làm việc”.

Dù vất vả nhưng lúc nào ba mẹ cũng chỉ mong muốn lo cho chị em Thùy Linh đi học để tương lai không vất vả. Linh xúc động nói: “Ba mẹ thường hay nói với Linh là “đời bố mẹ khổ, chị em con phải học hành chăm chỉ”, nghe mà rớt nước mắt. Vậy nên mỗi khi được kể về ba mẹ, khoe công việc bố mẹ đang làm, mình tự hào lắm”.

Từ hình ảnh người mẹ bán bánh mì: “Tự hào về nghề nghiệp ba mẹ” - Ảnh 3.

Ba mẹ có vất vả tới dường nào nhưng vẫn luôn muốn lo cho con cái tốt nhất

Phúc Kha

Sau khi nghe bài hát, các bạn trẻ cho biết thay vì xấu hổ, giấu giếm nghề nghiệp của cha mẹ, mình phải biết yêu thương, kính trọng cha mẹ bởi họ không giỏi giang nhất, không kiếm nhiều tiền nhất nhưng họ thương yêu và đùm bọc.

“Cha mẹ là những người sẵn sàng hi sinh cả cuộc đời mình cho con cái một cách vô điều kiện. Mình không có quyền lựa chọn người sinh ra mình. Dù cho họ có làm gì đi chăng nữa, miễn là nghề nghiệp chân chính, mình cũng đủ tự hào về họ. Ba mẹ có vất vả tới dường nào thì họ vẫn cứ yêu thương mình nhất trên cuộc đời này. Tần tảo, tiết kiệm từng miếng ăn, cái mặc nhưng rồi chưa một lần tiếc tiền với con”, Minh Phúc chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.