Bóng đá Malaysia đã thành công vang dội trên các đấu trường từ cấp đội tuyển đến U.23 trong hơn 3 năm qua. Trong khi đó, sau chiếc HCV AFF Cup 2008, bóng đá VN lại đang thụt lùi, vì sao?
Hơn 20 năm trước, Malaysia là một trong những cường quốc bóng đá trong khu vực, thành tích chỉ đứng sau Thái Lan khi sở hữu 3 HCV bóng đá SEA Games vào những năm 1977, 1979 và 1989. Sau đó, do nền bóng đá nước này bị lũng đoạn bởi nạn bán độ nên chính phủ đã “đày” gần 100 cầu thủ có dính líu ra giam lỏng ở đảo một thời gian. Tuy sự cố này gây ảnh hưởng và có làm thành tích những năm cuối thập niên 90 đi xuống, nhưng bóng đá Malaysia vẫn dồi dào tiềm năng và không đánh mất bản sắc trong cách chơi khi vẫn giành ngôi á quân Tiger Cup 1996 và hạng ba Tiger Cup năm 2000 sau khi thắng VN 3-0 trong trận tranh hạng ba. Thậm chí, SEA Games 1997 nếu không bất ngờ thua Lào trận chót thì Malaysia đã giành vé vào bán kết chứ không phải VN (với thế hệ Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Văn Sỹ Hùng, Công Minh, Hoàng Bửu, Đỗ Khải…) vì trước đó chính họ quật ngã VN 1-0.
Nền tảng tốt, lực lượng có chiều sâu, nhưng sai lầm của bóng đá Malaysia là liên tục thay đổi HLV ngoại, liên tục thay đổi chiến thuật từ Ken Worden (Úc), Claude Le Roy (Pháp), Hatem Souisi (Tunisia), Allan Harris (Anh), Bertali Bicskei (Hungary) khiến nền bóng đá không định hình được đâu là sở trường, đâu là thế mạnh.
Cuộc cách tân
Sau thất bại ở AFF Cup 2008 khi sớm bị loại ở vòng bảng, Malaysia có sự cách tân mạnh mẽ. Họ mạnh dạn thay máu lứa cầu thủ đã bị ỳ về phong độ. Quan trọng hơn cả là tạo ra cơ chế thoáng và mạnh dạn giao cho các HLV nội đang làm tuyến trẻ. Chính Rajagobal từ đội U.21 được đôn lên cuối năm 2008, và chỉ sau gần 1 năm dẫn dắt U.23, ông đã thành công với chức vô địch SEA Games. Hay HLV Ong Kim Swee cũng dẫn dắt U.21 kế thừa ông Rajagobal xây dựng đội U.23 trên nền tảng U.21 và đã mang lại thành công.
Thật ra về cá nhân, U.23 Malaysia vẫn không mạnh hơn các đội khác. Nhưng họ tạo được sự gắn kết trong lối chơi khi ông Rajagobal hay HLV Ong Kim Swee đều biết phát huy tốt nội lực, phát triển thế mạnh của người Mã Lai. Đó là tinh thần chiến đấu bền bỉ trên nền tảng thể lực dồi dào; tính kỷ luật rất cao trong việc áp dụng từng đấu pháp trước các đối thủ khác nhau; là việc xây dựng những cá nhân biết tạo ra đột biến bằng sự cơ động và sáng tạo mạnh mẽ; sự linh hoạt, nhạy bén trong chỉ đạo trên sân khi có những điều chỉnh cần thiết. Hơn hết chính là những liệu pháp tâm lý, thổi lửa cho lối chơi của Malaysia sẵn sàng bùng nổ bất kỳ lúc nào.
Báo chí trong khu vực đã nhắc đi nhắc lại những liệu pháp mà chính Rajagobal cũng như HLV Ong Kim Swee vừa qua đã nói với các học trò là “Chúng ta đang bị khinh thường, bốc thăm xong người ta xem chúng ta chỉ là kẻ lót đường, không làm nên trò trống gì và không đủ khả năng đi xa. Vậy các bạn biết mình phải làm gì để không trở thành những người như vậy chứ”. Điều đó đánh vào lòng tự trọng của mỗi người nên ai cũng chơi quyết liệt, không nao núng trước bất kỳ sức ép nào.
VN tự làm khó mình
Sau khi HLV Calisto ra đi và trước khi SEA Games diễn ra, nhiều báo đài, chuyên gia bóng đá đã thẳng thắn góp ý với LĐBĐ VN là nên mạnh dạn giao cả đội tuyển lẫn U.23 cho HLV nội để họ có thể kế thừa và phát huy những gì mà Calisto đã hơn 10 năm thâm nhập, hiểu và xây dựng được lối chơi đúng chất bóng đá VN. Lúc đó rất nhiều ý kiến đề nghị nên mời Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng, Phan Thanh Hùng, Hoàng Anh Tuấn, Phạm Công Lộc hay Lư Đình Tuấn nắm các đội tuyển, nhưng LĐBĐ VN vẫn bỏ ngoài tai, thậm chí còn đưa ra khó khăn là CLB chủ quản không cho đi.
Chúng ta không học kinh nghiệm Malaysia khi họ mạnh dạn giao cho HLV nội, lập tức thái độ cầu thủ sẽ khác. Họ sẽ bị các HLV nội đầy kinh nghiệm hiểu được ngóc ngách, sớm “bắt bài” nếu họ xuất hiện vấn đề trong tư tưởng hay muốn giở trò. Lê Huỳnh Đức từng “trảm” một vài cầu thủ “kiêu binh” giúp bóng đá Đà Nẵng vững vàng. Hữu Thắng hay Hoàng Anh Tuấn cũng thể hiện yếu tố đó ở SLNA hay Khatoco Khánh Hòa.
Trong khi đó, LĐBĐ VN không tin HLV nội, chọn trợ lý dễ nghe dễ bảo, an phận, bởi thường họ không chịu trách nhiệm vì tất cả đã có thầy ngoại. Bản thân LĐBĐ VN chọn thầy ngoại cũng cảm tính, chỉ để làm bình phong cho mình, thắng thì cùng chia thưởng, thua sẽ dồn hết trách nhiệm cho vị HLV này. Chính HLV Calisto trước khi chia tay đội tuyển từng nói với báo chí rằng: “LĐBĐ VN luôn không đánh giá đúng về các HLV ngoại từng sống lâu năm với bóng đá VN và cũng không muốn kéo dài hợp đồng với những HLV quá hiểu chân tơ kẽ tóc nền bóng đá này, vì như thế sẽ bất lợi cho công việc làm ăn của họ. Thực tế, LĐBĐ VN chỉ lợi dụng HLV ngoại chưa nắm rõ tình hình và chưa bắt nhịp với những bất cập của nền bóng đá VN, như thế họ sẽ dễ quản hơn và dễ điều khiển có lợi cho mình hơn”.
Thế nên, thất bại của U.23 VN chính là thất bại của cách làm xem thường dư luận của LĐBĐ VN, thiếu nghiêm túc trong việc định hướng và không đặt niềm tin vào HLV nội như Malaysia hay Indonesia đang làm. Tại sao ở các cấp độ U, đâu có một HLV ngoại nào mà chúng ta vẫn mạnh, vẫn thắng nhiều giải như U.21 tại Pleiku mới đây hay U.19 tại vòng loại giải châu Á vừa qua. Không phải LĐBĐ VN không hiểu điều đó, nhưng chính cách làm của họ đã đẩy U.23 VN vào thế chông chênh cả về thái độ bất thường lẫn lối chơi kém cỏi ở SEA Games vừa qua, và sẽ còn tự mình làm yếu mình tại AFF Cup sắp tới đây nếu vẫn tiếp tục đi theo con đường cũ.
U.23 Malaysia liên tục dự giải U.21 Báo Thanh Niên Có một thực tế là rất nhiều cầu thủ trong đội hình U.23 Malaysia làm nên chiến tích đoạt liên tiếp 2 HCV bóng đá ở 2 kỳ SEA Games 25 tại Lào và 26 tại Indonesia vừa qua, cũng như xen kẽ đó là chức vô địch AFF Cup 2010, đều đã trưởng thành nhờ được cọ xát liên tục tại giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên. Bắt đầu từ năm 2008 khi nhận thấy sân chơi U.21 quốc tế tại VN rất phù hợp để các cầu thủ trẻ được cọ xát và trưởng thành, LĐBĐ Malaysia đã quyết định hàng năm chủ động tham dự giải. Chính HLV Rajagobal đã đưa đội U.21 Malaysia đến Huế và chỉ 1 năm sau nhiều cầu thủ trẻ do chính ông dẫn dắt từ đội U.21 đã lên ngôi tại Lào, sau đó làm nòng cốt cho đội tuyển vô địch AFF Cup. Chưa hết, ở giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên năm 2009, một HLV nội khác của Malaysia là Ong Kim Swee đã đưa đội đến Bình Dương cọ xát và giờ đây 11 trên tổng số 20 cầu thủ vô địch SEA Games từng dự giải U.21 năm 2009, 2010, trong đó tiền đạo Ahmad Fakri Saarani từng ghi 4 bàn tại kỳ SEA Games 2009 gồm cả bàn thắng quyết định đánh bại đối thủ mạnh Thái Lan 2-1 ở vòng bảng hay Ahmad Mohamad, thủ quân Bakhtiar Baddrol, Ambumamee Thamil, Izzaq Faris Ramlan… đều khẳng định họ đã lớn lên rất nhiều nhờ có thái độ rất nghiêm túc khi tham dự nhiều giải trẻ quốc tế, trong đó có giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên. Giang Lao |
Quang Tuyến
Bình luận (0)